Sở Nội vụ vừa tổ chức hội nghị tập huấn Luật Công chức đến các cơ quan, ban ngành và các huyện, thị trong tỉnh. Luật Công chức gồm V chương, 62 điều, quy định về viên chức; quyền, nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Viên chức theo quy định của luật là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Chương II (từ Điều 11 đến Điều 19) quy định quyền, nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm.
Theo đó, quyền của viên chức được luật quy định rõ về hoạt động nghề nghiệp; về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương; về nghỉ ngơi; về hoạt động kinh doanh, làm việc ngoài thời gian quy định và các quyền khác...
Luật Công chức quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ và cả những việc viên chức không được làm. Ảnh H.Q Quyền về hoạt động nghề nghiệp là được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật; được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định pháp luật.
Viên chức được trả lương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù; được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiêp công lập.
Luật cũng quy định viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ. Đối với viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật. Viên chức được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Ngoài ra, luật còn quy định viên chức được các quyền khác như được khen thưởng, tôn vinh; được tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở...
Bên cạnh quyền lợi, luật cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ của viên chức; viên chức phải chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước; có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập; bảo vệ bí mật Nhà nước, giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao...
Những điều viên chức không được làm theo quy định của luật này là không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao, gây bè phái mất đoàn kết, tự ý bỏ việc, tham gia đình công; sử dụng tài sản cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức; lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp và những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan...
XUÂN LẠC