Ngoại mất đúng 1 năm, nhân dịp giỗ đầu của ngoại, trong lúc sắp xếp lại đồ đạc trong phòng, bất chợt nhìn thấy chồng đĩa cải lương ngoại cất cẩn thận trong góc tủ, mẹ cầm từng chiếc lên xem rồi bỗng dưng mẹ bật khóc rưng rức. Cả nhà cùng khóc theo vì hầu như ai cũng có kỷ niệm với ngoại qua từng đĩa cải lương được ngoại ghi rõ ngày tháng ngoại được tặng, tên người tặng và tặng nhân dịp gì.
Đây là đĩa cải lương Kiều Nguyệt Nga, người tặng là mẹ nhân dịp mừng thọ ngoại 70 tuổi. Đây là địa Tiếng trống Mê Linh, người tặng là chị Hai nhân dịp Tết Nguyên Đán, chị Hai cùng chồng con ở thành phố về quê ăn Tết. Đây là đĩa Bên cầu dệt lụa, người tặng là cậu Út nhân dịp cậu Út được lên chức trưởng phòng,… Cứ thế, mỗi đĩa cải lương là một trang nhật ký được ngoại ghi lên một miếng giấy nhỏ rồi đặt vào hộp đĩa. Chồng đĩa cải lương của Ngoại vô tình trở thành quyển nhật ký thật đặc biệt, ghi lại từng cột mốc thời gian, từng sự kiện lớn nhỏ trong gia đình. Mẹ bảo, đây là món kỷ vật vô cùng quý giá ngoại để lại cho con cháu, mẹ muốn từng thành viên trong gia đình hãy luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, gìn giữ tình thân thiêng liêng máu mủ để ngoại được vui lòng khi ở tít trên cao, ngoại luôn được nhìn thấy con cháu của mình sống hòa thuận hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em.
Sự sum họp đầm ấm trong gia đình kéo dài tuổi thọ cho người già
Trong lúc mẹ đang nói, chị Hai bỗng dưng ôm mặt khóc thật to. Mọi người tưởng chị quá xúc động vì nhớ ngoại. Nhưng sau khi bình tĩnh trở lại, chị Hai bước đến bàn thờ thắp hương cho ngoại rồi chị thẩn thờ đưa ra trước mắt mọi người chiếc đĩa cải lương mới nhất, giấy bọc đĩa vẫn còn nguyên, hình như ngoại chưa xem lần nào.
Đấy là chiếc đĩa cải lương Tô Ánh Nguyệt được ngoại ghi rõ “Nhân dịp lễ 30-4, cả nhà đi du lịch Mũi Né, ngoại mệt quá không đi nên mọi người quyết định mua đĩa cải lương đễ ngoại ở nhà xem cho đỡ buồn”.
Một cảm giác rất lạ len lõi dọc qua sóng lưng từng người rồi dâng lên cổ khiến ai cũng cảm thấy nghèn nghẹn không nói nên lời. Không gian tĩnh lặng đến mức nghe rõ tiếng con thằn lằn đang tặc lưỡi trên mái nhà. Tuy không gian yên lặng, nhưng trong lòng mỗi người một con sóng đang dâng lên ào ạt. Trong tâm tưởng của mỗi người lúc này đều miên man nhớ về những hình ảnh, sự việc ngày 30-4 năm ngoái….
Nhân dịp được nghĩ lễ 30-4 và 1-5, cả nhà quyết định đi du lịch Mũi Né đổi gió, khi mọi thứ chuẩn bị đâu đó xong xuôi thì ngoại cho biết ngoại rất mệt nên ngoại sẽ không đi. Thật là nan giải vì đã làm hợp đồng với nhà xe rồi, thức ăn mang theo cũng đã chuẩn bị hết rồi, bây giờ ngoại không đi thì biết phải làm sao đây? Hai phương án được đưa ra: Một là hủy chuyến đi. Hai là cử một người ở lại nhà với ngoại. Nếu mọi người quyết định chọn phương án hai, người có nhiều khả năng được chọn lựa ở nhà với ngoại là tôi. Thế là tôi nhanh nhảu nghĩ ra cách dụ ngoại ở nhà một mình bằng đĩa cải lương. Thấy ngoại tươi cười với mấy đĩa cải lương tôi mới mua, mọi người yên tâm lên đường vì nghĩ rằng ngoại đã có món giải trí riêng của ngoại.
Thế nhưng sau chuyến đi du lịch trở về, mọi người bàng hoàng vì sức khỏe ngoại trở nặng sau cú bị té ngã trong nhà tắm, ít lâu sau thì ngoại qua đời. Sau vài phút im lặng, mọi ánh mắt đều đổ dồn về tôi. Thấy không khí ngột ngạt quá, mẹ lên tiếng: Lỗi không phải của thằng Ba, lỗi của tất cả mọi người, những đĩa cải lương đúng là món ăn tinh thần yêu thích của ngoại, nhưng chúng ta đã lạm dụng nó để đánh đổi nhu cầu khác, nhu cầu được con cháu quan tâm chăm sóc chu đáo của ngoại. Giá như hôm đó, mọi người đều quyết định ở nhà với ngoại thì có lẽ ngoại đã không ra đi sớm như vậy.
QUANG LÊ