Quyết liệt bình ổn giá thực phẩm

Cập nhật: 19-07-2011 | 00:00:00

Chiều qua (18-7), Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan tìm giải pháp ổn định thị trường thực phẩm. Hội nghị nhận định, do nguồn cung giảm mạnh dẫn đến một số mặt hàng nông sản chính như thịt lợn, rau xanh… khan hiếm và bị đẩy giá lên cao. Điều đó đã làm cho thị trường chao đảo và tác động không nhỏ đến bữa cơm của từng gia đình, nhất là những người làm công ăn lương.

Nhu cầu cao, nguồn cung lại… thấp

Những ngày qua, tại Hà Nội và một số địa phương khác, giá các mặt hàng thực phẩm chính như thịt lợn, rau xanh (chủ yếu là cà chua, các loại rau ăn lá như cải, xà lách...) đã có mức tăng đột biến. Cụ thể, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng từ 54 đến 71,2%; giá thịt gà công nghiệp tăng 47,9% đến 102,2%... "Nóng" nhất là từ tháng 4-2011 trở lại đây, mức tăng giá thịt lợn gần như ngoài tầm kiểm soát.

  Các quầy thực phẩm tại chợ Thành Công.    

Một so sánh của Cục Chăn nuôi cho thấy, giá thịt lợn tại Việt Nam hiện ngang bằng với Trung Quốc, cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan và thậm chí còn cao hơn giá thịt lợn tại Mỹ. Cụ thể, nếu tính bằng VND, giá thịt lợn hơi tại Thái Lan khoảng 55.000 đến 60.000 đồng/kg, tại Mỹ khoảng 40.000 đồng/kg. Giá rau xanh cũng tăng từ 100% đến 200%. Khảo sát tại Hà Nội thời điểm cuối tháng 6 đến nay cho thấy, tại các chợ nội thành giá tăng đột biến so với thời điểm trước đó như rau cải ăn lá giá 20.000 đồng/kg; dưa chuột bao tử 8.500 đồng/kg; cà chua 12.000 đến 15.000 đồng/kg...

Nguyên nhân khiến các loại thực phẩm tăng cao chủ yếu do nguồn cung thịt lợn những tháng vừa qua giảm mạnh đã không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Xảy ra tình trạng này là do dịch bệnh trên đàn lợn xảy ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp làm đàn nái giảm 8,6% đã dẫn đến thiếu lợn giống nuôi thịt; số người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng giảm 15% đến 30%. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn, công lao động, thuốc thú y... tăng; người nuôi cũng tiếp cận với nguồn vốn vay khó, lãi suất cao (bình quân từ 22% đến 25%)... Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhận định, thời gian qua, giá rau tăng là do nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 2 làm giảm diện tích rau; sản lượng rau ở thời điểm hiện tại thấp, chủng loại không đa dạng vì đang là vụ rau hè thu, thiếu các loại rau ưa lạnh như cà chua, xà lách... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá rau tăng có một phần do bị đẩy giá, tâm lý ăn theo giá thực phẩm của các tiểu thương, nhưng việc quản lý các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ gần như bất lực.

Giá tăng do thời tiết, dịch bệnh

Ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói giá thịt tăng do xu hướng khác thường của thị trường, cụ thể là nhu cầu về thịt heo trong tháng 5 và tháng 6 tăng cao so với mọi năm. Sản lượng thịt heo sáu tháng đầu năm tăng gần 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,5 triệu tấn vẫn không đủ đáp ứng thị trường trong nước.

Theo ông Giao, các đợt dịch bệnh trên đàn heo khiến tổng đàn giảm 3,7%, nhất là đàn heo nái giảm 8,6%, dẫn đến thiếu giống và đẩy giá heo giống lên. Cũng vì dịch bệnh và giá đầu vào tăng, thêm giá thức ăn chăn nuôi, vốn vay và các chi phí khác như điện, nhân công tăng khiến số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ giảm 10-30%.

Về rau xanh, ông Phạm Đồng Quảng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết diện tích rau vụ hè thu chỉ bằng 60% diện tích rau vụ đông, chủng loại ít. Ở miền Bắc, sau đợt mưa kéo dài là các đợt nắng nóng làm hầu hết diện tích rau hết bị ngập úng lại đến úa héo, ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng. Sản lượng thấp, nhập khẩu giảm 10% so với quý trước nên giá rau ở phía Nam tăng 10-25%, phía Bắc tăng mạnh hơn, có chủng loại rau tăng đến 50-60%.

Tình trạng cung không đủ cầu cũng xảy ra đối với các mặt hàng như muối, đường, tôm, cá... Bà Trần Thị Miêng - phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối - cho rằng giá các mặt hàng tăng do cung không đủ cầu. Riêng đối với đường và muối, bà Miêng đề nghị nên xem xét, cân nhắc việc nhập muối, đường để bù vào chỗ thiếu.

Thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn cung cho thị trường

Để khẩn trương bình ổn thị trường đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện bình ổn giá; tăng cường điểm bán hàng lưu động, đặc biệt tại các chợ dân sinh, tập trung đông dân cư, khu công nghiệp... Bà Trần Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm thủy sản và nghề muối đề xuất cần có chính sách ưu tiên riêng cho chăn nuôi như khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp, chủ trang trại, người chăn nuôi trong thời gian vừa qua gặp rủi ro được vay vốn; hỗ trợ 50% lãi suất cho người chăn nuôi... Về tăng nguồn cung rau xanh, trước mắt cần đẩy mạnh gieo trồng rau vụ hè thu, chủ động tưới tiêu các vùng trồng rau tập trung; nếu thấy cần thiết các địa phương cần hỗ trợ nông dân những vùng trồng rau tập trung bị thiệt hại nặng do mưa lũ... Về lâu dài, cần quy hoạch các vùng trồng rau tập trung, ổn định; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau để tăng diện tích rau vụ hè thu, thu đông; đầu tư tăng diện tích rau áp dụng VietGAP; liên kết chặt giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với các HTX, nông dân sản xuất...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trước mắt cũng như lâu dài, giải pháp cơ bản vẫn là thúc đẩy sản xuất để tăng nguồn cung ổn định cho thị trường. Bộ trưởng chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh (hiện 2 tỉnh Quảng Trị và Phú Thọ vẫn đang xuất hiện dịch cúm gia cầm - PV); hỗ trợ các trang trại tăng cường sản xuất giống; Cục trồng trọt kiểm tra lại vùng sản xuất rau về diện tích, chủng loại, điều kiện sản xuất và hướng dẫn biện pháp phòng tránh trong mùa mưa bão để hạn chế thiệt hại, giám sát chất lượng rau... Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến giá cả thị trường của các loại thực phẩm chính, để cho người dân định hướng đúng trong tiêu dùng, đồng thời người nông dân có thể yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thêm thông tin để tự điều chỉnh, từ nơi thấp đến nơi cao, bảo đảm ổn định giữa cung và cầu. Mặt khác, những cản trở vận chuyển thực phẩm giữa các vùng miền cần nhanh chóng tháo gỡ hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Các cục, tổng cục và đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp, đánh giá tình hình tăng giá của các mặt hàng nông sản chính trong thời gian qua để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xin ý kiến chỉ đạo, nhằm sớm có giải pháp tổng thể "hạ nhiệt" thị trường thực phẩm.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao:

Dự báo, nhu cầu thịt các loại 6 tháng cuối năm khoảng 2,5 triệu tấn thịt hơi, tương đương 1,7 đến 1,8 triệu tấn thịt xẻ. Thị trường thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10 đến 15%, bắt đầu giảm mạnh từ tháng 8 và tăng nhẹ thời điểm cuối năm, nhất là mặt hàng thịt lợn.

 Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=321
Quay lên trên