Năm 2020, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát huy hiệu quả lan tỏa sau đầu tư. Năm 2021, Bình Dương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020, công trình đường Thủ Biên - Đất Cuốc đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ
Phát huy hiệu quả
Năm 2020, Bình Dương đã khởi công 85 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 55 dự án. Trong đó, một số công trình trọng điểm như cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai, đường và cầu kết nối Bình Dương và Tây Ninh, đường Bắc Nam 3, dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2 (phần dự án sử dụng vốn dư khoản vay ODA)...
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã kịp thời giao kế hoạch đầu tư công, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã rà soát các nguồn vốn kết dư đầu tư công năm 2019 và các nguồn bổ sung khác để bố trí vốn cho các dự án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBND tỉnh linh hoạt bổ sung vốn theo mục tiêu cho các dự án cấp huyện đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, đã khởi công nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 của tỉnh. “Ngoài ra, UBND tỉnh còn thường xuyên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, chủ đầu tư và tổ chức khảo sát thực tế nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề ra các giải pháp nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đối với vốn ngân sách Trung ương, tỉnh đã báo cáo tiến độ thực hiện và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh giảm vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát huy hiệu quả lan tỏa sau đầu tư”, ông Mai Bá Trước cho biết thêm.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Mặc dù giá trị giải ngân tuyệt đối cao (năm 2020 hơn 10.593 tỷ đồng, năm 2019 chỉ hơn 8.359 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ giải ngân năm 2020 đạt thấp hơn so với các năm trước. Vốn ngân sách Trung ương giải ngân không đạt kế hoạch phải đề nghị cắt giảm. Một số dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện sang kỳ trung hạn sau. Cụ thể, kế hoạch năm 2020 tỉnh có 41 dự án quan trọng, trọng điểm được bố trí tổng vốn hơn 5.718 tỷ đồng, chiếm 39,8% kế hoạch vốn ngân sách địa phương. Giá trị giải ngân hơn 3.956 tỷ đồng, đạt 69,2% kế hoạch. Một số công trình được ưu tiên bố trí vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch.
Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, kế hoạch năm 2020 tỉnh có 11 dự án, tổng số vốn bố trí hơn 1.313 tỷ đồng, chiếm 17,9% kế hoạch vốn ngân sách tỉnh tập trung. Giá trị giải ngân 1.166 tỷ đồng, đạt 88,8% kế hoạch. Một số dự án đền bù kéo dài nhiều năm do phải giải quyết khiếu nại của người dân về đơn giá đền bù và chính sách hỗ trợ tái định cư. Sau khi giải quyết khiếu nại xong đơn giá đất mới được ban hành làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện dự án. Đơn cử như dự án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài về hướng Khu công nghiệp Mỹ Phước II và III (vượt tổng mức đầu tư); dự án giải phóng mặt bằng công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 đoạn từ ngã tư Miếu Ông Cù đến nút giao Sóng Thần điều chỉnh thời gian thực hiện…
Bên cạnh đó, công tác tư vấn lập một số dự án chưa đạt chất lượng, phải chỉnh sửa nhiều lần. Một số dự án trong quá trình triển khai thi công phát sinh, thay đổi hạng mục dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương, kéo dài thời gian thực hiện và không có khả năng giải ngân kế hoạch đã bố trí. Một số dự án đền bù, giải phóng mặt bằng phê duyệt được đơn giá đền bù tăng nhiều so với thời điểm lập dự án dẫn đến phải điều chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án, tổng dự toán đã được duyệt làm kéo dài thời gian thực hiện.
Đồng bộ các giải pháp
Nhằm đạt được mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bình Dương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chỉ thị, chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến công tác đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh cho biết năm 2021 là năm đầu của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành các công trình, dự án theo mục tiêu và kế hoạch đề ra; tiếp tục áp dụng hiệu quả giải pháp đã được triển khai giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, cần quyết liệt thực hiện bổ sung các giải pháp, như chủ đầu tư chủ động phối hợp sở, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ khâu chuẩn bị đầu tư. Đơn vị thi công tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn, không để dồn khối lượng vào cuối năm, đặc biệt là các công trình có khối lượng đền bù, giải tỏa lớn, trình thẩm định phê duyệt quyết toán và thực hiện các thủ tục hoàn trả tạm ứng theo quy định; tập trung thực hiện và giải ngân vốn các công trình quan trọng, trọng điểm, các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh, các công trình có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, cắt giảm vốn và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan dẫn đến dự án giải ngân thấp.
Đồng thời các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện gắn với kế hoạch giải ngân từng dự án, báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan để phối hợp triển khai và kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đây là giải pháp quan trọng để chủ đầu tư có trách nhiệm giải ngân hết số vốn đã đăng ký. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư không xây dựng kế hoạch hoặc xây dựng kế hoạch nhưng thực hiện không đạt.
PHƯƠNG LÊ