Giảm bội chi, tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu cần có lộ trình và phải bắt nguồn từ chính sản xuất trong nước…
Trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 26/3, cùng các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, các đại biểu Quốc hội còn đặc biệt quan tâm đến việc Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung về vấn đề này.
Tăng trưởng tín dụng 460.000 tỷ đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và đặc biệt là kiểm soát 2 chỉ tiêu: Tăng trưởng tín dụng của năm 2011 so với năm 2010 không vượt quá 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 tăng so với năm 2010 từ 15% đến 16%. Việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết 11. Cụ thể, yêu cầu vốn tín dụng năm nay tập trung ưu tiên cho khu vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp-nông thôn; khuyến khích xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Số tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20% thì dự kiến tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 460.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đang triển khai để tăng trưởng tín dụng năm nay tập trung cho các mục tiêu ưu tiên. Còn các mục tiêu khác, nhất là đối tượng phi sản xuất (cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay kinh doanh bất động sản) gần như không tăng.
Về bội chi và nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng giảm bội chi, tăng xuất nhập, giảm nhập siêu cũng phải có lộ trình và phải bắt nguồn từ chính sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đó là quá trình gốc của vấn đề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hiện nay chúng ta đang triển khai một cách tích cực nhưng cũng không thể giảm nhanh. Bên cạnh đó, hiện nay áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn, nhu cầu đòi hỏi rất cao cả chi đầu tư thường xuyên.Trước những ý kiến băn khoăn của nhiều đại biểu lo sợ chúng ta điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ gây khó khăn về vốn đáp ứng cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Thiết kế điều hành vốn năm 2011 tăng tuyệt đối tương đương năm 2010 (tăng trưởng tín dụng gần 470.000 tỷ đồng), dự kiến khoảng 460.000 tỷ đồng. Trong gần 3 tháng đầu năm, vốn tín dụng tăng trưởng cho nền kinh tế có chậm lại cũng có khó khăn. Tuy nhiên, ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng họp giao ban trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cơ bản đến nay chưa có vướng mắc lớn. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu ý kiến này và chỉ đạo toàn hệ thống, nếu có khó khăn thì tháo gỡ ngay”.
Về thị trường ngoại tệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Thời gian qua thực sự cân đối cung - cầu ngoại tệ gặp khó khăn (cung không đủ cầu). Việc này, Ngân hàng Nhà nước đang làm nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là các ngành quản lý thị trường để làm tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng vừa qua chúng ta đã quản lý mạnh mẽ ngoại tệ trên thị trường tự do nhưng không đáp ứng kịp nhu cầu hợp lý của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Mạng lưới hoạt động thu đổi cũng như mua bán ngoại tệ đến nay, nhất là ở 2 địa bàn chính là TP HCM và Hà Nội đã mở rộng, đảm bảo phục vụ được nhân dân. Tại Hà Nội hiện có 1.869 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và 44 đại lý thu đổi ngoại tệ và ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. TP HCM có 1.329 điểm của hệ thống các tổ chức tín dụng và 59 đại lý thu đổi ngoại tệ được ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Thời gian vừa qua, sau khi có sự tăng cường kiểm tra của cơ quan công an thì thị trường tự do khép lại và giá ngoại tệ của thị trường tự do với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước tiền gần nhau. Các ngân hàng hiện đã thông báo và tạo điều kiện để có thể bán một phần ngoại tệ tiền mặt cho một số đối tượng có nhu cầu đi nước ngoài.
Vấn đề quản lý vàng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Từ năm 1990 chúng ta cho phép đúc vàng miếng và trong 20 năm qua thị trường vàng miếng phát triển nhanh. Lúc đầu tập quán của người dân là tích trữ vàng nhưng nay vàng trở thành phương tiện thanh toán. Vì vậy, phát sinh đầu cơ vàng, làm giá vàng trong nước xáo trộn và có lúc tách rời giá thế giới biến động rất mạnh.
Áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn
Về nguyên nhân khiến chỉ số lạm phát tăng cao trong năm 2010 và mới 3 tháng đầu năm 2011 đã tăng hơn 6%, Bộ trưởng bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Năm 2010, tất cả quốc gia trên thế giới có lạm phát cao, trong đó châu Âu tăng từ 2 đến 2,5 lần so với kế hoạch mục tiêu đặt ra, Trung Quốc và Ấn Độ cũng tăng hơn 2 lần và Việt Nam không tránh khỏi điều này. Trong những tháng đầu năm nay, giá tiếp tục tăng cả lương thực và nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng đã tác động đến giá cả trong nước ở cả 2 mặt bất lợi và có lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Giá cả thế giới tăng tác động đến giá cả trong nước ở cả 2 mặt. Mặt bất lợi do chúng ta nhập khẩu và nhập siêu lớn, trong đó 70% đến 75% là nhập nguyên, nhiên, vật liệu. Từ đó tác động giá trong nước tăng lên, làm cho đời sống người lao động và cán bộ công nhân viên rất khó khăn. Mặt thứ 2, cũng có lợi cho nền kinh tế vì chúng ta là nền kinh tế xuất khẩu lớn trong đó đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, dầu thô, cà phê, cao su… Tất cả các mặt hàng này tăng giá trong thời gian qua, chúng ta cũng được lợi. Đồng thời, một bộ phận người dân sản xuất các mặt hàng này cũng thu được lợi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng gây lo lắng cho người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp và người nghèo”.
Về biện pháp sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị cần tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đề nghị các địa phương phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa- đây là gốc của vấn đề. Đồng thời sắp xếp lại hệ thống phân phối; kiên trì điều hành giá theo thị trường, nhất là giá điện, than, giá xăng dầu… Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục tà soát, nghiên cứu đề xuất thêm chính sách mới để giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn và tạo sự đồng thuận trong người dân nhằm thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo VOV