Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật: 21-09-2022 | 11:51:40

(BDO) Sáng 21-9, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì làm việc với các địa phương TP.Thuận An, TP.Dĩ An và huyện Phú Giáo cùng các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022 TP.Thuận An, TP.Dĩ An, huyện Phú Giáo được giao thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là hơn 3.208 tỷ đồng, chiếm 25,6% kế hoạch của tỉnh. Trong số này có hơn 1.378 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 và trên 1.830 tỷ vốn kế hoạch được giao trong năm 2022. TP.Thuận An, TP.Dĩ An và huyện Phú Giáo là 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, mới đạt tỷ lệ 19,2%. Cụ thể, TP.Thuận An tỷ lệ giải ngân mới đạt 11,4%, TP.Dĩ An đạt 16,5% và huyện Phú Giáo là 37,9%. Ước giải ngân của 3 địa phương này trong năm 2022 là gần 1.606 tỷ đồng.


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp cần quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm kế hoạch giải ngân chung của tỉnh năm 2022.

Theo báo cáo của các địa phương, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm là do còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại TP.Thuận An, nguyên nhân chậm liên quan đến một số dự án, như Khu tái định cư An Thạnh dự kiến nguồn vốn giải ngân khoảng 600 tỷ đồng hiện chưa thể giải ngân do dự án vẫn còn trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt quy hoạch 1/500; tại TP.Dĩ An, dự án Trường THPT Dĩ An đang đề xuất chủ trương đầu tư, Trường Tiểu học Châu Thới đang chờ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. 

Bên cạnh đó, một số dự án còn chậm trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tiến độ thi công như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn đến ngã ba giao với tuyến đường Đài liệt sĩ Tân Phước Khánh; Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh thoát nước Khu công nghiệp Bình Hòa - giai đoạn 2; công trình vướng vị trí đấu nối với các dự án qua địa bàn như đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, đường trục Đông Tây đoạn Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 1K… 

Tại huyện Phú Giáo, một số dự án sử dụng 2 nguồn vốn tỉnh và huyện nhưng địa phương không cân đối được được phần vốn tham gia dự án phải xin điều chỉnh, cụ thể như dự án cải tạo, khai thông suối Vàm Vá. Ngoài ra, một số dự án thực hiện không đúng kế hoạch, việc lựa chọn nhà thầu phê duyệt nên chưa thể giải ngân nguồn vốn…

Để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2022, ông Võ Văn Minh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành cần tập trung, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, chiếm tỷ lệ vốn đầu tư công cao như: Dự án khu tái định cư An Thạnh; các gói thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ Vĩnh Phú (TP.Thuận An) đến đường Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một)… Các địa phương cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ làm việc với đơn vị tư vấn, Tổ thẩm định giá của tỉnh nhằm tránh sự sai sót phải điều chỉnh gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn cho các dự án. 

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số dự án chiếm nguồn vốn giải ngân cao như Quốc lộ 13, Khu tái định cư An Thạnh (TP.Thuận An)… tỷ lệ giải ngân đạt cao sẽ góp phần để tỉnh hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần tập trung phối hợp tốt với các sở, ngành trong công tác thẩm định giá, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, vừa bảo đảm rút ngắn thời gian vừa bảo đảm đúng các quy trình, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan.

Tin, ảnh: Minh Duy 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1149
Quay lên trên