Quyết liệt thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Cập nhật: 05-08-2022 | 08:07:06

 Xác định thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bình Dương đã triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình và bước đầu đạt được một số kết quả đáng kể.

 Bình Dương luôn quan tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế thông qua việc thực hiện các CTMTQG. Trong ảnh: Ông Võ Văn Bá (thứ 3 từ phải sang), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên dự lễ bàn giao nhà chữ thập đỏ ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên

Kết quả tích cực bước đầu

Để thực hiện các CTMTQG, UBND tỉnh đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 xã tham gia thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã có 18/41 xã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 43,9%); 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là huyện Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát. 3 huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên đã trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, việc huy động nguồn lực thực hiện CTMTQG về NTM của tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, tổng vốn thực hiện chương trình này là hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là hơn 1.400 tỷ đồng; vốn lồng ghép là 121 tỷ đồng; vốn tín dụng là hơn 190 tỷ đồng; vốn tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ là 50,5 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp là 78,5 tỷ đồng. Về nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG, hiện tỉnh cân đối vốn từ ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn và thực hiện các giải pháp huy động các nguồn lực khác tại địa phương để thực hiện theo quy định. Đồng thời, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4- 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết các CTMTQG đã tác động tích cực đến việc bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn đa chiều là 4.093/332.224 hộ dân toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,23; số hộ cận nghèo là 2.960/332.224 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89%. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện tốt các công tác hỗ trợ trong lĩnh vực giảm nghèo như chính sách vay vốn, y tế, điện, nhà ở và giáo dục.

Quyết liệt hơn trong thực hiện

Cùng chung tay với Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan đang triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện hiệu quả. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo; rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức sơ kết mô hình “Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng”, tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022- 2025 cho công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, thành viên ban giảm nghèo cấp xã, lãnh đạo khu, ấp và chi hội đoàn thể ở các khu, ấp trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động nhằm góp phần đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo các huyện, thị xã, các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao rà soát, thực hiện, đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Bộ Tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021- 2025; qua đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Các hoạt động cũng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện 3 CTMTQG gồm: Xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn đã giao hơn 92.057,8 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2015, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.

 MINH HIẾU  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên