Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu (KDPL) hoạt động không bảo đảm quy định pháp luật, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Trước tình trạng trên, các địa phương đang tăng cường kiểm tra, kiên quyết di dời các cơ sở KDPL ra khu dân cư.
Kiên quyết di dời
Theo ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, đến nay địa phương đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp và KDPL trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành TX.Bến Cát kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại một doanh nghiệp KDPL trên địa bàn
Qua rà soát, trên địa bàn TP.Thuận An hiện có 207 tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp và KDPL, trong đó có 137 cơ sở do thành phố quản lý. Ngoài công tác tuyên truyền, UBND TP.Thuận An đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật đối với 59 cơ sở KDPL hoạt động trên các tuyến đường do thành phố quản lý.
Tính đến ngày 24-10, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 30 cơ sở KDPL, trong đó có 24 cơ sở đã ngừng hoạt động; còn lại 6 cơ sở được giao UBND phường theo dõi, quản lý.
Ngoài ra, UBND TP.Thuận An đã giao cho UBND các xã, phường kiểm tra, xử lý nghiêm 78 cơ sở KDPL thuộc thẩm quyền quản lý nhằm bảo đảm đề án xây dựng văn minh đô thị. “Thời gian tới, UBND TP.Thuận An tiếp tục giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan và UBND xã, phường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở KDPL không đủ điều kiện hoạt động. Nếu cơ sở nào không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì tiến hành cưỡng chế theo quy định”, ông Nguyễn Thành Úy cho biết thêm.
Qua trao đổi với P.V, bà Đặng Thị Phương Kha, Trưởng phòng TN&MT TX.Bến Cát, cho biết UBND thị xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật đối với 18 công ty KDPL trên địa bàn. Qua kiểm tra, đa số các công ty đã ngừng hoạt động; riêng công ty còn hoạt động thì đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở KDPL và chủ đất khắc phục vi phạm về đất đai, xây dựng. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, UBND các xã, phường đã ban hành 47 quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân hoạt động KDPL, với tổng số tiền phạt 266 triệu đồng.
Theo bà Đặng Thị Phương Kha, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, kết hợp với tuyên truyền, vận động mà số cơ sở KDPL trên địa bàn đã giảm đáng kể. Cụ thể vào tháng 7-2023, có 120 cơ sở KDPL, nhưng đến tháng 9 thì còn 88 cơ sở (giảm 32 cơ sở). “Nhằm tiếp tục lập lại trật tự ngành nghề KDPL trên địa bàn, Phòng TN&MT thị xã đã tham mưu UBND thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường tiếp tục kiểm tra, xử lý cơ sở KDPL thuộc thẩm quyền quản lý. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở KDPL chấp hành quy định pháp luật khi hoạt động; kiên quyết xử lý đối với cơ sở “chây ỳ”. Riêng với Phòng TN&MT thị xã sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, kiểm tra và đề xuất xử lý đối với doanh nghiệp (DN) KDPL”, bà Kha cho biết thêm.
Không để phát sinh cơ sở KDPL mới
Theo đại diện Phòng TN&MT TP.Thủ Dầu Một, trên địa bàn thành phố không còn DN KDPL và hoạt động mua bán, lưu chứa chỉ một mặt hàng cũ, đã qua sử dụng. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn thường xuyên phối hợp với UBND các phường theo dõi, giám sát DN đã ngưng hoạt động KDPL hoặc chỉ hoạt động văn phòng giao dịch. Nếu phát hiện DN tái hoạt động KDPL hoặc phát sinh mới thì sẽ tổ chức kiểm tra và tham mưu xử lý theo quy định.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng TN&MT TP.Thủ Dầu Một phối hợp UBND các phường kiểm tra, xử lý 17 cơ sở, hộ tái hoạt động KDPL. Hiện nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một còn 3 cơ sở đang hoạt động mua bán, lưu chứa chỉ một mặt hàng cũ, đã qua sử dụng. Do đó Phòng TN&MT thành phố tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở UBND các phường tổ chức kiểm tra, giám sát 3 cơ sở trên bảo đảm các quy định về môi trường và giấy phép đăng ký kinh doanh.
“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các phường rà soát, giám sát để kịp thời kiểm tra, xử lý triệt để đối với các cơ sở KDPL phát sinh mới, tái hoạt động và cơ sở kinh doanh chỉ một mặt hàng cũ, đã qua sử dụng không đúng quy định. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở KDPL chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp theo định hướng phát triển của thành phố”, đại diện Phòng TN&MT TP.Thủ Dầu Một cho biết thêm.
Tính đến tháng 10-2023, ngành chức năng TP.Dĩ An đã kiểm tra 28 cơ sở KDPL, trong đó có 25 đơn vị đã ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề, còn lại 2 cơ sở hoạt động đúng quy định. Đối với một DN đang hoạt động, UBND TP.Dĩ An đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường và đất đai. Ngoài ra, UBND các phường đã kiểm tra, vận động di dời được 105/141 cơ sở KDPL, còn lại 36 cơ sở hoạt động. Theo bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN&MT TP.Dĩ An, đơn vị đang phối hợp với UBND các phường tăng cường kiểm tra, vận động cơ sở KDPL ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Đối với cơ sở đã bị xử phạt hành chính mà không chịu di dời, sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. |
NGUYỄN HẬU