Quyết tâm mở thông đường

Cập nhật: 06-11-2012 | 00:00:00

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta qua 9 năm (1945-1954) gian khổ trường kỳ nhưng cũng mới chỉ là một bước ngoặt trên đường thắng lợi. Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ vùng định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được giải phóng, đường liên lạc Bắc - Nam qua đây còn nghẽn lối...

Nhân dân Nam Tây nguyên sẵn sàng bảo vệ hành lang

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, phần lớn lực lượng cách mạng miền Nam đi tập kết, lực lượng ở lại còn rất mỏng. Mỹ nhảy vào thay chân Pháp cùng bọn tay sai, nhai lại tất cả những trò bịp bợm của Pháp đồng thời cài cắm một hệ thống gián điệp, xây dựng tề, buôn, xã và tổng lý. Tuy vậy, sự đầu độc của Mỹ - Ngụy cũng không phải dễ dàng vào đời sống của đồng bào dân tộc như chúng tưởng.  

 Một đoạn đường Hồ Chí Minh hôm nay

Vào thời vụ tuốt lúa cuối năm 1959 mỗi đội (trừ mũi xung kích soi đường) được cử đi vào từng rẫy, gặp dân. Đồng bào dân tộc tin cách mạng, giữ gìn bí mật, bước đầu đã xây dựng được đội ngũ cốt cán khá rộng ở nhiều buôn làng. Vụ tuốt lúa gần xong, ta đã tổ chức diệt ác ôn ở nhiều buôn, xã. Bọn tay sai Mỹ - Diệm biết có cách mạng về! Chúng lồng lộn truy tìm, chúng mở những trận càn quét trên khắp các vùng, nhưng tập trung bố ráp trên vùng cao nguyên Plateau R’Bút của người M’nông BiReh. Chúng lùng sục càng dữ dội, bọn tay sai càng lộ mặt hung ác. Các đội B4 càng mở rộng diện ác ôn, trừng trị những tên tề gian xảo, phần lớn là người Kinh do bọn quan thầy xâm lược bố trí. Để làm được việc đó, cán bộ, chiến sĩ nào cũng phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tiếng dân tộc với dân, phải ăn được tất cả thức ăn của dân thường ăn. Có nhiều cán bộ phải đắp chung chăn với già làng lác vảy rồng để thu phục nhân tâm. Qua nhiều đêm chung chăn lác không ngủ được nhưng rồi cũng quen! Có thể nói các cán bộ, chiến sĩ ta đã hết mình để đem lại ánh sáng cách mạng cho nhân dân. Xây dựng được tổ chức cách mạng trong quần chúng và tiến hành cuộc đấu tranh với bọn tay sai Mỹ - Ngụy. Các buôn làng từng bước đã thắng kẻ thù - nhiều buôn làng, chúng đã rút bỏ chạy - và như vết dầu loang, dân làng làm chủ vận mệnh - sẵn sàng bảo vệ đường hành lang chiến lược đi qua.

Cuối tháng 6-1960, Ban cán sự B4 truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho B90 phải thông suốt đường vào Nam bộ trước mùa khô 1960, đồng thời báo tin ở phía Nam đã tổ chức bộ phận mở đường từ căn cứ Xứ ủy Nam bộ ra điểm hẹn gặp Đội 1 tại Buôn Rung, nhưng tình hình tại Buôn Rung không cho phép. Đội trưởng Đội 1 Trần Quang Sang đề nghị cho mũi xung kích Đội 1 vượt Vàm Dak R’Tih để sang phía tây thị xã Gia Nghĩa bắt liên lạc với đoàn phía Nam. Khi mũi xung kích Phạm Văn Lạc mở đường đến vàm sông Dak R’Tih là tháng 7-1960 trời mưa tầm tã, nước lũ dâng cao. Phạm Văn Nhường và Nguyễn Văn Định đội viên quay trở về Busanar để lấy gạo bổ sung. Phạm Văn Lạc, Hoàng Minh Đỏ, Trần Văn Thời ở lại bờ sông tìm cách vượt vàm. Thời là thành viên trẻ tuổi nhất, sức vóc đầy đặn hiến kế và tự nguyện vượt sông. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ và quyết tâm của Thời, Phạm Văn Lạc chấp nhận.

Nhưng khi bơi ra khỏi bờ chừng 10m gặp dòng nước xiết đẩy Thời vào một vòng xoáy dữ dội, toàn bộ dây dù buộc vào eo ếch người Thời đều bị tuột. Thời chới với kêu cứu nhưng không kịp, ốc dòng xoáy đã dìm Thời mất hút. Ba người đồng chí lại ngồi quanh đống dây dù, không nhang, không khói, chỉ còn phảng phất mùi mồ hôi của Thời bốc ra từ đống dây dù và bộ quần áo còn ẩm ướt. Mũi xung kích Đ1 đã mất đi một người chiến sĩ xông xáo, gan dạ, quyết đoán và một người em vô tư, khiêm tốn, sống với đồng đội tình nghĩa như với những người anh trong gia đình.

Tháng 9-1960, Ban cán sự B4 triệu tập các đội và các mũi về căn cứ kiểm điểm công tác, đánh giá tình hình và sự chuyển động cách mạng nhanh chóng trong quần chúng ở Nam Tây nguyên bàn kế hoạch xốc tới mở rộng, bảo vệ địa bàn, đồng thời tổ chức lễ truy điệu cho đồng chí Trần Văn Thời và yêu cầu các mũi soi đường vào Nam đợi tin tức phía Nam.

Đầu tháng 10-1960, Ban cán sự B4 cho biết, Đoàn C200 mở đường từ phía Nam ra đã đến vùng buôn Busaya vàm ĐakR’tih và cho biết cả các ám tín hiệu, điểm tìm nhau.

Kết nối thành công

Đoàn 200 được Xứ ủy Nam bộ cử đi Nam Tây nguyên đã bí mật vượt khổ ải táo bạo soi đường theo điệp khúc của đồng bào dân tộc - “Có đi có đến”. Xem bản đồ - đoàn đã gần đến Bugur điểm hẹn ban đầu nhưng điểm hẹn Bugur còn ở bên kia sông. Nước sông vẫn còn lớn vượt qua thế nào? Đoàn C200 đâu có hay biết chuyện liệt sĩ Trần Văn Thời bị nước cuốn trôi - nên vẫn tìm đường vượt sông. Đi ngược dòng tìm đến một đoạn sông nước chảy luồng dưới đá. Nhưng còn một đoạn chảy tràn trên thác phải bơi qua - chiến sĩ Cao Văn Tươi bàn cách chặt tre làm bè chở vũ khí, điện đài, anh em bơi giỏi đẩy bè sang sông. Các chiến sĩ khác còn lại tự lực buộc bọc nylon làm phao bơi qua. Đài VTĐ cho vào bọc nylon bỏ lên bè, nhưng qua nửa chừng tuột dây ràng, bọc đài VTĐ trôi ra xa, một đồng chí bơi giỏi buông bè cứu đài, trong lúc đó chiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cũng bị dòng nước cuốn trôi rồi nhấn chìm sâu dưới đáy thác, Tâm biết bơi đạp đá đáy trồi lên mặt nước với tới bọc nylon, dòng nước chảy mạnh rất khó tiếp cận bờ bên kia, đuối sức phải thả thân hình trôi nổi với gói bọc nylon nhưng đến một đoạn sông chảy qua bên bờ lở, Tâm ráng sức lái người để dòng nước đưa vào bờ lở. Hội tụ đủ người, súng ống, hành trang đoàn lại lên đường, ngược sông đi tìm Bugur điểm hẹn. May mắn cho đoàn, dân làng Bugur bị địch tập trung nhưng còn để lại 1 kho chứa lúa và muối ăn. Đoàn quyết định tạm mua vắng chủ, 20 gùi lúa, đem giã gạo và một ít muối ăn, để tiền lại trong kho. Qua điện đài biết đoàn miền Bắc đã đến vùng Busaya. Đoàn tiếp tục đi tìm, đến Busaya cũng không gặp dân. Ði tìm xung quanh rìa buôn, đoàn gặp một bộ tộc người M’Nông Mạ khoảng 20 bếp, không bị địch gom. Với thái độ tiếp xúc đầu tiên, người chủ làng đã biết đây là người của cách mạng nên ông cho dân làng tiếp đón mừng rỡ. Tối đến dân làng giết heo mời khách, uống rượu cần. Nhưng sáng mai cũng với thái độ chân tình, chủ làng yêu cầu bộ đội ra rừng ở, không ở trong làng để tránh tai mắt địch. Từ căn cứ này đoàn cử tổ trinh sát đi tìm dấu vết đoàn miền Bắc. Tìm cặp dọc bờ sông đến một ngã ba suối lớn, anh em phát hiện có dấu vết bếp nấu ăn và cây cột võng, ngụy trang rất kỹ. Nhưng không có người - tổ trinh sát trở về báo cáo với đoàn, Đoàn trưởng Hồng Sơn mở bản đồ, xác định nơi đó là vàm ĐăK R’tih, tổ trinh sát phải chốt và chờ đoàn miền Bắc vào tại đó.

Ngày 30-10-1960, trong khi đội trinh sát đang nấu nướng thì mũi xung kích của Phạm Văn Lạc trở lại điểm hẹn. Phát hiện nơi nghỉ của mình có người căng nylon, buộc võng. Linh cảm gặp nhau đã có sẵn nên hai bên cùng gọi tên trưởng đoàn rồi cùng ôm chầm lấy nhau, mừng tủi, cười vui mà nước mắt dâng trào, ướt cả đôi bờ vai gánh vác sự nghiệp đi mở đường.

Ăn xong cháo cá, cả 2 đoàn đều trở về rừng Busaya căn cứ Đoàn C200. Một không khí tưng bừng từ trong tâm tư đến bữa cơm tối có thịt mễn và đêm kể chuyện Bắc - Nam. Cuộc gặp mặt vừa mở đường hành quân gian khổ vừa xây dựng sự nghiệp cách mạng lâu dài ở Nam Tây nguyên cho cả thế hệ hôm nay và mai sau đã thành công. Đường 1, qua Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ đã thông suốt.

Kỳ cuối: Thông thương đường Bắc – Nam

 

 NGUYỄN HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=244
Quay lên trên