Ngày 16-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm trong cả nước. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới đã dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới tại 11 xã mà Ban Bí thư đã chọn, diện mạo nông thôn cũng như đời sống của người dân tại các xã điểm đã lột xác hẳn. Phong trào đã truyền một sức sống mới cho các làng quê Việt Nam. Hầu như các xã trước đây khi chưa có phong trào xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 3 - 4 tiêu chí, xã cao nhất khoảng 8 tiêu chí thì hiện nay đều đạt 13 - 14 tiêu chí, thậm chí có xã như Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TPHCM) đã đạt tới 16 tiêu chí trong tổng bộ 19 tiêu chí.
Tuy nhiên, khó khăn mà các địa phương lâu nay vẫn lo ngại là tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, làm sao nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu như trong năm 2010 các xã chỉ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, trường học, điện, trạm y tế xã (có thể gọi là phần cứng) thì năm 2011 các xã đều đang dồn sức phát triển sản xuất (phần mềm), nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là mục tiêu lớn mà Ban Chỉ đạo Trung ương về chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra.
Vì vậy, tại các xã điểm đang rộ lên các phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để cải thiện thu nhập cho người dân. Nhiều nơi đã đạt được những kết quả vượt trội. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, tại xã điểm Tân Thông Hội, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thêm thu nhập, người dân đã chuyển đổi cơ bản từ trồng lúa sang hoa màu và khoảng 3.000 lao động nông nghiệp đã chuyển sang làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhờ thay đổi cách làm ăn, thu nhập bình quân của người dân Tân Thông Hội nâng lên rõ rệt, từ 18 triệu đồng vào năm 2009 lên 25 triệu đồng/năm và thời điểm hiện tại.
Ông Đặng Quang Tạo, Chủ tịch xã kiêm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang) cho biết, để đạt tiêu chí về sản xuất, xã Tân Thịnh đã dồn lực cho hai mô hình điểm là trồng cây thuốc lá và trồng cà chua bi xuất khẩu, thu hút 60% số hộ tham gia. Hiện nay, chỉ riêng từ cây thuốc lá, doanh thu mỗi năm lên tới 15 tỷ đồng. Còn cà chua bi thu khoảng 10 triệu đồng/sào Bắc bộ. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú. Cả xã hồ hởi thi đua làm ăn, thi đua xây dựng nông thôn mới. Hiện còn 200 hộ đang tham gia thêm các mô hình như chăn nuôi gà thả vườn, trồng nấm, trồng hoa xuất khẩu…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, mô hình nông thôn mới mặc dù vẫn còn có những khó khăn nhưng đã rõ dần hình hài của nông thôn mới, mang lại những kết quả rõ rệt, chương trình ngày càng thuận lợi. Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, các bộ, ngành có liên quan cần sớm hoàn chỉnh các thủ tục hướng dẫn để các xã điểm thực hiện, đồng thời chính quyền các địa phương cần ưu tiên vốn cho các xã điểm để quyết tâm triển khai thành công mô hình.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, các địa phương cũng cần huy động thêm sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp, bởi nếu chỉ đầu tư bằng ngân sách thì không đủ sức để triển khai rộng ra 10.000 xã trong cả nước. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, phải làm thành công mô hình thí điểm tại 11 xã thì mới có thể nhân rộng phong trào ra cả nước. Tới cuối năm nay, mô hình thí điểm sẽ được tổng kết để báo cáo Ban Bí thư và Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi của các cán bộ xây dựng nông thôn mới ở các cấp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2013 phấn đấu có 40% cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp được đào tạo, đến năm 2015 là 75% và đến năm 2020 đạt 100% cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo về xây dựng nông thôn mới.
Tổng hợp