Ra mắt bộ phim truyện về thời tuổi trẻ của Bác

Cập nhật: 23-04-2010 | 00:00:00

Được kỳ vọng sẽ đem lại một cái nhìn gần gũi về Bác, bộ phim truyện nhựa Nhìn ra biển cả (biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: NSƯT Vũ Châu) khắc họa cuộc đời Hồ Chủ tịch giai đoạn 1908-1910, sẽ được trình chiếu từ ngày 29-4 đến 20-5 trên phạm vi cả nước.

  Nguyễn Minh Đức (phải) trong vai Nguyễn Tất Thành trong phim Nhìn ra biển cả  

 

 

Trường Quốc học Huế năm 1907, người học sinh tham gia phiên dịch giúp bà con nông dân, tiểu thương chống sưu cao thuế nặng bị buộc thôi học. Bước ngoặt này đã khiến Nguyễn Tất Thành (diễn viên Nguyễn Minh Đức thủ vai) bắt đầu một cuộc dấn thân mới. Anh rời Huế, chu du khắp miền Nam Trung bộ, nghe lời cha tìm đến ông Hồ Tá Bang (NSƯT Mạnh Cường) - một trong những người thành lập Trường Dục Thanh. Tại đây - nơi tụ hội nhiều sĩ phu yêu nước, người thầy trẻ quyết tâm đưa những tư tưởng mới vào giảng dạy, chuẩn bị cuộc hành trình tìm đường cứu nước...

 

Kịch bản đoạt giải nhì cuộc thi hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2008) có tuyến nhân vật đa dạng, với ý tưởng thông tỏ. Nhưng 98 phút phim cứ trôi qua nhàn nhạt. Các chi tiết nghệ thuật hoặc thiếu kịch tích, hoặc được giải quyết một cách sáo mòn.

 

Bị triều đình giáng chức, thay vì sử dụng những đối thoại sắc sảo, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (NSƯT Trung Anh) được “giải cứu” nhẹ nhàng bởi lệnh ân xá vua ban. Trước lời thổ lộ tình cảm trong sáng từ cô học trò Hương Bình (Thúy Hiền), thầy giáo Nguyễn Tất Thành chỉ biết... bỏ chạy trên bờ biển, để mặc tiếng cô gái với theo: Thầy ơi, thầy ơi!

 

Chú ngựa kéo xe đưa Nguyễn Tất Thành từ Huế vào Phan Thiết bị hổ bắt, một chi tiết ý tại ngôn ngoại khắc họa nỗi nhọc nhằn đường trường đã không được thực hiện rõ vì hạn chế dựng cảnh. Nhiều tuyến nhân vật thiện-ác: thầy giáo người Pháp Robert Hải (Mihai Congstantinescu), Hồ Tá Bang hay mật thám theo dõi xuất hiện có dụng ý nhưng quá mờ nhạt.

 

Cảm động nhất có lẽ không phải những chi tiết trong phim, mà là những tâm sự của biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về câu chuyện hậu trường. Nhà biên kịch này phải đích thân đi in tráng và làm âm thanh lập thể tại Bangkok, Thái Lan trong vỏn vẹn ba ngày để kịp mang về 20 bản phim chiếu mừng sinh nhật Bác.

 

Để thực hiện những cảnh quay tái hiện bối cảnh xưa, đoàn phim chuẩn bị 700 bộ trang phục, dựng lại hoàn toàn bối cảnh Trường Dục Thanh. Bộ phim cũng khai thác rất nhiều nét văn hóa miền Nam Trung bộ: tuồng Đào Tấn (Bình Định), ca Huế và âm nhạc của nghệ sĩ gốc Nghệ An An Thuyên. Nhiều cảnh quay đẹp được thực hiện tại Huế, Phan Thiết.

 

“Chúng tôi bắt đầu từ mong muốn chân thành đưa đến người xem một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn, khắc họa hình ảnh người con hiếu thảo, người thầy mẫu mực, người cộng sự ân cần của Bác. Mong muốn rất nhiều mà sức lực và thời gian có hạn”- bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên