Bộ Xây dựng đang giao các đơn vị chức năng tập trung tính toán lại tổng thể cung - cầu bất động sản, tập trung vào hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tại buổi gặp gỡ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã “bắt mạch” nguyên nhân dẫn đến thị trường tê liệt như hiện nay. Cụ thể, thị trường bất động sản thời gian qua phát triển tự phát, phong trào, thiếu kinh nghiệm. Khách hàng mua không trực tiếp sử dụng mà chỉ để bán qua bán lại, tạo ra thị trường ảo. Số lượng nhà đầu tư trung gian quá lớn, khiến ngộ nhận thị trường phát triển mạnh.
Việc rà soát cung cầu bất động sản sẽ tập trung vào hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.Khi kinh tế khó khăn, các van tín dụng đóng lại, thị trường thể hiện rõ sự mất cân bằng, cung vượt quá cầu. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, số lượng căn hộ cao cấp quá nhiều, còn nhu cầu của đại bộ phận người dân ít được quan tâm.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư kinh doanh bất động sản chủ yếu là vốn vay ngân hàng, huy động từ khách hàng nên khi lãi suất cao, thắt chặt tín dụng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặt khác, tiền sử dụng đất cao cũng là nhân tố khiến giá thành cao.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn, trong lúc chờ có chính sách cụ thể, trước hết các doanh nghiệp phải tự tháo gỡ cho chính mình. Những dự án nào chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng nên dừng lại và có chính sách động viên nhà đầu tư. Nếu cứ tiếp tục triển khai đầu tư theo phong trào như trước đây sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản do nguồn hàng tồn kho lớn hơn so với nhu cầu thực.
Trước mắt, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện chính sách và việc giải quyết bài toán về thị trường bất động sản hiện nay sẽ phải xuất phát từ chính thực tiễn.
Bộ Xây dựng đang giao các đơn vị chức năng tập trung tính toán lại tổng thể cung - cầu trên phương diện vĩ mô, thông qua việc đánh giá lại toàn bộ quỹ đất của các dự án đã được duyệt; phân loại cụ thể những dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đang bồi thường dở dang và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, việc rà soát sẽ tập trung vào hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ thống kê số lượng các dự án, mức độ và quy mô đầu tư cân đối với quy hoạch phát triển của từng địa phương, phù hợp với tăng dân số, tránh tình trạng cung vượt xa cầu.
Ngoài việc đưa ra lộ trình phát triển quỹ nhà ở phù hợp, phải rà soát để điều chỉnh lại công năng, quy mô, cơ cấu sản phẩm trên nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên đất đai, đảm bảo hiệu quả của nhà đầu tư, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Theo Chinhphu.vn