“Mỗi ngày có từ sáu trăm đến tám trăm lượt xe ben hoạt động cả ngày lẫn đêm để vận chuyển cát từ lòng hồ Dầu Tiếng đến các địa phương khác tiêu thụ”. Một người dân sống trên đường ĐT749B thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết về tình trạng khai thác cát hiện nay trong lòng hồ Dầu Tiếng.
Ngã 3 Dầu Tiếng (đường ĐT749B) luôn tấp nập xe ra vào lòng hồ Dầu Tiếng để lấy cát Ảnh: NHÂN QUANG
Từ ngã tư Minh Hòa (xã Minh Hòa) đến lòng hồ Dầu Tiếng dài khoảng 15km. Nếu đứng tại ngã tư này hoặc chỉ đi lại trong bán kính 5km thì mọi người sẽ thấy rất ít xe ben chở cát chạy qua lại tại đây. Nhưng chỉ cần xuôi theo đường ĐT749B đến ngã 3 Dầu Tiếng (ấp Hòa Lộc) mọi người mới thấy sự ồn ào, tấp nập của từng đoàn xe ben vận chuyển cát nối đuôi.
Xe ben nối đuôi chở cát
Dừng xe ngay tại ngã 3 Dầu Tiếng chỉ trong vòng 15 phút, chúng tôi đếm có khoảng 30 xe ben các loại di chuyển qua lại. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là ngoài những loại xe ben thông thường hay chở đất đá còn có rất nhiều xe đầu kéo có trọng tải “khủng” cũng được đưa vào chở cát.
Bà N.T.Đ., nhà gần ngã 3 Dầu Tiếng than thở, ngày nào cũng vậy, cả ngày lẫn đêm xe ben cứ rầm rầm từng đoàn nối đuôi nhau chở cát chạy qua lại khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng. Ngoài việc bị ô nhiễm tiếng ồn, bà Đ. còn cho biết xe ben chạy qua lại thường xuyên đã “băm nát” tuyến đường ĐT749B, rất nhiều ổ gà, ổ voi và những hố sâu xuất hiện ngay trên mặt đường. Ban ngày, người dân còn ra đường, còn vào ban đêm thì rất sợ bởi đoạn đường này quá xấu, rất dễ xảy ra tai nạn. Theo bà Đ., trước đây có rất nhiều xe ben chở quá khổ và không che chắn kỹ đi qua tuyến đường này nên đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cát rơi vung vãi làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông và người dân địa phương. Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng vào cuộc nên thời gian sau này đã đỡ hơn nhiều, vì xe nào cũng được che chắn khá kỹ.
Một bãi cát cao ngút tại lòng hồ Dầu Tiếng đang được các công nhân dùng xe múc đưa cát lên xe tảiẢnh: NHÂN QUANG
Ghé vào nhà ông T.T.H., một hộ dân sinh sống sát lòng hồ Dầu Tiếng, chúng tôi cũng nhận được những ý kiến giống như của bà Đ. Ông H. cho biết thêm, thời gian gần đây lượng xe ben đến chở cát tăng đột biến, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tại lòng hồ có đến 5 - 6 chủ bãi, bãi cát nào cũng được người chủ trang bị camera an ninh và có người giám sát rất chặt chẽ.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đúng như lời ông H. nói, khi vừa thấy người lạ đã có 2 - 3 thanh niên chạy xe máy đến với cặp mắt dò xét. Chúng tôi ghé vào một quán nước sát lòng hồ Dầu Tiếng giả vờ mua nước uống. Ngồi tại quán nước chúng tôi cũng có thể nhìn thấy hàng chục xe ben các loại nối đuôi nhau chờ đến lượt để lấy cát. Vùng đất bán ngập ngoài lòng hồ là những bãi cát cao ngút ngàn đang được các chủ bãi cho công nhân làm việc hết công suất. Theo quan sát của chúng tôi, xe ben chở cát hầu hết mang biển kiểm soát của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Bà chủ quán nước cho biết: “Thời gian gần đây, lượng xe ben đến chở cát tăng rất nhiều so với trước. Nghe đâu bên Tây Ninh người ta cấm khai thác nên họ chạy qua Bình Dương. Một ngày tôi cũng kiếm được mấy trăm ngàn từ việc bán cà phê và thuốc lá cho tài xế…”.
Cần sớm xử lý dứt điểm sai phạm
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư Đảng ủy xã Minh Hòa cho biết, việc khai thác cát và vận chuyển cát trên đường ĐT749B thuộc xã Minh Hòa (chủ yếu là từ lòng hồ Dầu Tiếng đến ngã 3 Dầu Tiếng và ngược lại) phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Lãnh đạo xã đã trực tiếp làm việc với các chủ bãi cát và đề nghị phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc vận chuyển cát, như không được chở quá tải, che phủ bạt để không làm rơi vãi... Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chỉ dừng ở mức độ vậy, không thể kiểm tra xử lý. Do đó, UBND xã đã có văn bản gởi UBND huyện để báo cáo sự việc.
Theo ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Dầu Tiếng, hiện tình trạng khai thác cát và vận chuyển cát trên lòng hồ Dầu Tiếng đang diễn ra khá nóng do giá cát đang tăng đột biến. Qua kiểm tra các điểm khai thác, kinh doanh trên hồ Dầu Tiếng mới đây, có đến 6/8 doanh nghiệp sử dụng đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng làm bãi tập kết, kinh doanh cát. Khi kiểm tra thì một số doanh nghiệp trưng ra văn bản thuê mượn đất vùng bán ngập với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho các doanh nghiệp mượn đất là không đúng quy định của pháp luật, cụ thể là trái với Thông tư số 03/2012 ngày 12-4-2012 của Bộ TN-MT. Về công tác lập báo cáo giám sát môi trường theo định kỳ, cũng có đến 6/8 doanh nghiệp kinh doanh vi phạm. Trên cơ sở những vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cát, Phòng TN-MT đã kiến nghị UBND huyện xử phạt 6 doanh nghiệp này.
Ông Nhân cho biết thêm, trước tình hình khai thác, kinh doanh cát trên lòng hồ Dầu Tiếng ngày càng phức tạp và khó quản lý, mới đây lãnh đạo Công an tỉnh, Sở TN-MT và huyện Dầu Tiếng đã có cuộc họp liên quan về vấn đề này. Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất phương án để kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh và khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng theo đúng quy định của pháp luật và trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tạm dừng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của 11 doanh nghiệp mà tỉnh này cấp phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để phục vụ kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ môi trường. Tại lòng hồ Dầu Tiếng, Bình Dương có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương và Doanh nghiệp tư nhân Hòa Bình.
NHÂN QUANG