Rao bán dự án đất ảo

Cập nhật: 04-11-2024 | 08:38:01

Trong khoảng thời gian từ ngày 23-5-2018 đến ngày 16-12-2021, nhóm đối tượng đã “vẽ” ra các dự án, xây dựng chiến dịch quảng cáo rầm rộ, từ đó thực hiện bán đất nền, nhà ở thuộc các dự án chưa được cấp phép hoặc các dự án có pháp lý nhưng không có quyền chuyển nhượng để lừa đảo nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…


Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm

Rao bán các dự án trái phép

Trần Văn An (sinh năm 1975, quê Quảng Nam) và Lê Xuân Quyền Anh (sinh năm 1984, quê Khánh Hòa) làm nghề “môi giới” bất động sản. Cả hai được đánh giá là hai “mắt xích” quan trọng của vụ án.

Từ năm 2016-2019, Lê Xuân Quyền Anh và đồng bọn góp vốn thành lập nhiều công ty, mở nhiều chi nhánh để kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Anh cấu kết với các “cò” bất động sản đưa ra thông tin gian dối, ký hợp đồng mua bán đất nền, nhà ở xây sẵn chiếm đoạt tiền của các bị hại. Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ ngày 23-5-2018 đến ngày 16- 12-2021, Trần Văn An, Lê Xuân Quyền Anh, Nguyễn Hồng Lâm, Phạm Văn Tuân, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Văn Đen đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối về pháp lý đất nền dự án không có thật. Pháp lý thửa đất phân lô, tách thửa, nhà ở trong dự án có thật nhưng không có quyền chuyển nhượng, đã mất quyền chuyển nhượng…

Nắm bắt tâm lý của khách hàng, các bị cáo đã làm cho khách hàng tưởng thật là đất có dự án, có pháp lý đầy đủ, nhà ở có quyền chuyển nhượng nên ký hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp tác... ký giấy giao tiền, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 87 tỷ đồng của 59 bị hại. Trong đó, Trần Văn An thực hiện với vai trò chính trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Khu dân cư Hiền Hòa trên địa bàn xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; Lê Xuân Quyền Anh thực hiện với vai trò chính trong các vụ lừa đảo trong 5 “dự án” liên quan còn lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương; các bị can Nguyễn Hồng Lâm, Phạm Văn Tuân, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Văn Đen là đồng phạm với vai trò thực hành, giúp sức với tính chất mức độ khác nhau.

Lãnh án vì xem thường pháp luật

Trong các bị cáo trên, Trần Văn An tham gia trong 65/72 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 46 bị hại, tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự là gần 67 tỷ đồng.

Cũng trong 72 “phi vụ” lừa đảo này, Lê Xuân Quyền Anh tham gia trong 20 vụ, tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự gần 29 tỷ đồng. Nguyễn Hồng Lâm tham gia trong 11 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng 21,6 tỷ đồng. Phạm Văn Tuân tham gia trong 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng 12,7 tỷ đồng. Nguyễn Hoài Nam tham gia trong 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự hơn 7 tỷ đồng. Nguyễn Văn Đen tham gia trong 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng 3 tỷ đồng. Nguyễn Văn Hạnh tham gia trong 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổng số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng 2 tỷ đồng.

Sau nhiều lần tổ chức xét xử và nghị án, vừa qua, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án này. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Văn An 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Lê Xuân Quyền Anh bị xử phạt 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng với tội danh trên, bị cáo Nguyễn Hồng Lâm bị xử phạt 15 năm tù, bị cáo Phạm Văn Tuân bị xử phạt 13 năm tù, bị cáo Nguyễn Hoàng Nam bị xử phạt 12 năm tù.

LÊ NA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=815
Quay lên trên