Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, đồng thời cũng là chìa khóa mở ra cho phụ nữ và trẻ em gái các cơ hội phát huy năng lực bản thân vào quá trình phát triển xã hội và hưởng thụ các thành quả của sự phát triển.
Từ năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định chọn và phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai và thực hiện có hiệu quả, đã thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.
Tuy nhiên, đã bước vào thời đại 4.0 thế nhưng tình trạng định kiến giới vẫn còn tồn tại. Không ít người vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, chăm sóc, nuôi dạy con và lo việc nội trợ. Những tư tưởng này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, làm cho nữ giới mất nhiều cơ hội để phát triển và nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh…
Có thể thấy, định kiến giới thuộc về yếu tố văn hóa, nhận thức của mỗi người. Để gạt bỏ định kiến giới ra khỏi xã hội không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần cả một hành trình dài. Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, xã hội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, mỗi người cần thay đổi nhận thức, hành vi của mình để góp phần xóa bỏ những rào cản về định kiến giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ cống hiến, phát triển.
HỒNG PHƯƠNG