Từ ngày 30- 12-2024, có 7 mặt hàng xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng quy định quản lý nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR). Các mặt hàng gồm cao su, cà phê, gỗ, dầu cọ, thịt bò, ca cao, đậu. Theo quy định này, từ đầu tháng 1-2025, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu những sản phẩm trên vào EU sẽ truy xuất nguồn gốc đến tận vườn và phải chứng minh được là không gây suy thoái, phá rừng.
Bình Dương có nhiều DN xuất khẩu gỗ vào EU nên rất lo lắng sẽ chịu tác động không nhỏ từ EUDR. Nếu thực hiện tốt quy định EUDR sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, sản phẩm gỗ vào thị trường châu Âu tăng cao. Ngược lại, DN sẽ không thể xuất bán sản phẩm sang thị trường quan trọng này, đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thiệt hại rất lớn.
Theo tìm hiểu, đối với việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu, EU yêu cầu về vị trí địa lý. Gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác và EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng. Trường hợp gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4 ha thì truy xuất điểm, còn trên 4 ha là truy xuất vùng. Việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi DN đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi và DN phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU.
Nhìn lại, còn hơn 5 tháng để chuẩn bị, DN rất khó có thể đáp ứng được. Bởi hiện nay, ngoài nỗ lực đáp ứng được yêu cầu EUDR để đưa hàng vào EU, DN buộc phải tìm thêm thị trường mới để không bị “ách tắc” đầu ra cho sản phẩm, giữ vững sản xuất. Về lâu dài, các DN phải liên kết với nông dân trồng để hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về EUDR. Đây là mục tiêu nhằm bảo vệ rừng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không còn cách nào khác, DN cần phải đi từng bước. Trong tương lai, không chỉ EU mà các nước khác cũng sẽ từng bước đưa ra hàng rào kỹ thuật tương tự cho hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, DN, nông dân liên kết đi trước trong thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản xuất xanh, tuần hoàn sẽ giữ và mở rộng được thị trường xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, cũng dần bảo đảm cam kết của Chính phủ giảm dần phát thải và đến năm 2050 đạt net zero
KHẢI ANH