Ông Hans Farnhammer Bí thư thứ nhất phụ trách các hoạt động trợ giúp thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, việc dựng lên các rào cản và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU sẽ không gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam mà ngược lại còn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tại hội thảo “Rào cản thương mại với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI phối hợp với EuroCham tổ chức sáng nay (23-6), ông Hans Farnhammer nhận định: “Các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra ngày càng nhiều và khắt khe hơn, song hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU liên tục tăng cao, từ mức 2,3 tỷ euro năm 2003 lên 7,7 tỷ euro vào 2009 và 2 tháng đầu năm 2010 đã đạt trên 1,4 tỷ euro."
Ảnh minh họa
Cũng theo ông Hans Farnhammer, 2010 được xem là năm có thể mang lại những khởi sắc cho xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu là vượt qua được các rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp.
Là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hải sản…đang chịu áp lực lớn từ các hàng rào kỹ thuật của thị trường này.
Đơn cử mặt hàng giày mũ da của Việt Nam, với mức áp thuế chống bán phá giá lên đến 10% của Ủy ban châu Âu (EU) từ đầu năm 2010 đã khiến kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường châu Âu giảm sút đáng kể.
Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ, trong tương lai, số lượng tranh chấp của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có những trợ giúp pháp lý ngay từ đầu khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Ruệ cũng chỉ ra những khó khăn về mặt chính sách của các nước xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Cụ thể là làm rõ khái niệm rào cản thương mại và các tiêu chuẩn kỹ thuật mà phía đối tác đưa ra và việc minh bạch trong việc công bố xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vẫn là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Những rủi ro về thay đổi chính sách thì doanh nghiệp khó lường trước được, cần phải có các bộ phận nghiên cứu thị trường để đưa ra những cảnh báo sớm nhằm hạn chế tối đa tác động từ sự thay đổi này,” ông Ruệ đề xuất.
Tại hội thảo này, các chuyên gia cũng nêu ra cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trao đổi kinh nghiệm về xuất khẩu sang thị trường EU cũng như giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng thương mại quốc tế.
Đặc biệt là vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc tham vấn các chính sách của nước xuất khẩu, nhằm tư vấn cho các cơ quan chuyên ngành và doanh nghiệp có những định hướng tốt hơn về mặt thị trường và con người nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Theo đánh giá của Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, không có khó khăn lớn trong việc tuân thủ chính sách của các nhà xuất khẩu Việt Nam, kể cả trong tương lai việc tiếp cận thị trường và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại châu Âu vẫn rất tốt.
(THEO TTXVN)