Thực ra ông Ri Pyong-chol không phải là một nhân vật mới, nhất là với vai trò chỉ huy Lực lượng không quân CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, việc ông xuất hiện liên tục bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un với những lời đồn đoán về "vị trí số 5" trong hệ thống phân quyền khi vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) hồi tháng 5 vừa qua khiến người ta chú ý.
Trong bối cảnh tăng cường củng cố quyền lực trong chính quyền và trong đảng, quyết định nhân sự cho một nhân vật chủ chốt như ông Ri Pyong-choi có thể giúp nhận định về các kế hoạch và ưu tiên của người đứng đầu - đặc biệt là mối liên hệ mật thiết giữa ông này và chương trình vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm tới Cung điện Mặt trời Kumsusan (lăng Chủ tịch Kim Nhật Thành) hồi tháng 7 vừa qua không phải là lần đầu tiên ông Ri Pyong-choil xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Trong cuộc họp kín có quy mô nhỏ của CMC mới đây, người ta đã thấy ông Ri Pyong-chol xuất hiện bên phải nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cuộc họp này diễn ra sau một phiên họp lớn hơn nhiều với thành phần tiêu biểu gồm các nhà lãnh đạo quân đội và công nghiệp quốc phòng, tại đó ông Ri Pyong-chol xuất hiện trong các bức ảnh và video với tư cách là quan chức duy nhất khác ngoài ông Kim Jong-un, vượt qua hàng chục tướng lĩnh và các quan chức cấp cao khác. Ông cũng là người duy nhất được xướng tên trong bản tin của KCNA về những sự kiện này bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những điều đó cho thấy vai trò lãnh đạo của ông Ri với tư cách là Phó Chủ tịch rõ ràng đưa ông lên vị trí cao hơn so với các thành viên khác của CMC.
Tuy nhiên, vai trò của ông Ri đối với CMC mới là điều cho thấy tầm quan trọng của ông trong hệ thống, chứ không đơn giản chỉ là những bức ảnh chụp. Được bổ nhiệm vào tháng 5, phiên họp hồi tháng 7 vừa qua không chỉ là cuộc họp CMC chính thức đầu tiên của ông trên cương vị mới mà còn là cuộc họp CMC chính thức đầu tiên có sự tham gia của phó chủ tịch kể từ khi vị trí này bị bỏ trống vào năm 2016. Việc tái thiết lập vị trí này rõ ràng đã đưa ông Ri vào một vai trò quan trọng, cả trong việc trình bày ý kiến của các thành viên CMC với ông Kim Jong-un lẫn việc giám sát thực hiện chỉ đạo từ nhà lãnh đạo tới các quan chức CMC.
Ông Ri Pyong-chol (bìa phải) trong lần đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Lực lượng không quân.
Theo các nhà phân tích, vai trò mới này, đặc biệt là khi kết hợp với việc ông đứng ở hàng đầu trong bức ảnh tại Kumsusan, là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy uy tín của ông Ri, sự ưu ái mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành cho ông cũng như tầm quan trọng của ông hiện nay. Trong lịch sử, vị trí Phó Chủ tịch CMC luôn có triển vọng thăng tiến đầy hứa hẹn.
Chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nắm giữ vị trí này trong hơn một năm cho đến khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, mặc dù vào thời điểm đó ông đã sẵn sàng tiếp nhận vị trí lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Choe Ryong-hae sau đó giữ vị trí này trước khi ông tiếp tục đảm nhận 2 chức vụ cao nhất trong nhà nước, chỉ đứng sau ông Kim Jong-un, đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao.
Năm 2008, ông Ri Pyong-chol nắm quyền chỉ huy Lực lượng không quân Triều Tiên và được KCNA nhắc đến một vài lần với tư cách này, đặc biệt là khi công du tới Trung Quốc và Cuba với tư cách trưởng phái đoàn quân sự. Năm 2010 ông được phong hàm tướng, trở thành thành viên của CMC và Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Một trong những chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới địa điểm quân sự sau khi lên nắm quyền là một đơn vị không quân và người tiếp đón là Ri Pyong-chol. Tháng 9-2014, ông Ri được bổ nhiệm vào Ủy ban Quốc phòng, khi đó là cơ quan có thẩm quyền cao nhất ở CHDCND Triều Tiên, một dấu hiệu cho thấy ông có thể đã nhận được sự ưu ái của lãnh đạo.
Dựa trên những nhiệm vụ mà ông đảm nhận những năm sau đó, giới truyền thông và phân tích đã đi đến kết luận rằng chức vụ mới của ông Ri - Phó Chủ nhiệm thứ nhất Cục Công nghiệp vũ khí đạn dược (MID) - có nghĩa là ông đã trở thành nhân vật số 2 trong cơ quan chịu trách nhiệm phát triển tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Ông Ri ngày càng trở nên nổi bật hơn trên phương tiện truyền thông nhà nước trong những cuộc tiếp xúc cá nhân nồng ấm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong toàn bộ quá trình thử nghiệm vũ khí từ năm 2015 đến 2017.
Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã phát ít nhất một lần cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un ôm ông Ri Pyong-chol sau vụ phóng tên lửa vào năm 2016 và cảnh họ thầm thì với nhau trong buổi lễ kỷ niệm lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của CHDCND Triều Tiên vào tháng 7-2017.
Những lời đồn đoán càng trở nên rõ nét khi người ta không còn bắt gặp hình ảnh ông Ri kè kè bên nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi Bình Nhưỡng chuyển sang chính sách can dự ngoại giao thay vì thử tên lửa vào từ cuối năm 2017. Ông Ri sau đó chỉ xuất hiện ở mức độ vừa đủ để chứng minh sự "tồn tại" của mình vào năm 2018. Tuyến đầu khi ấy là Kim Yong-chol và Kim Yo-jong, trong các nỗ lực ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ.
Thế rồi, chỉ vài tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận, ông Ri đã bắt đầu xuất hiện trở lại trên truyền thông CHDCND Triều Tiên bằng các vụ thử tên lửa vào tháng 5-2019. Những hình ảnh ông Ri lại xuất hiện ngày càng nhiều và đặc biệt là sự xuất hiện của ông trong vai trò quan chức cấp cao chỉ huy vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-3 mới khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vắng mặt hồi tháng 10-2019. Vào cuối tháng 3-2020, ông Ri Pyong-chol được giao nhiệm vụ giám sát việc phóng tên lửa và đưa ra chỉ đạo sau vụ phóng - một việc thường do chính nhà lãnh dạo Kim Jong-un đảm nhận...
Và từ đầu năm 2020, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã công khai đưa ra ý định không chỉ tiếp tục sản xuất các hệ thống vũ khí chiến lược hiện có, mà còn tiết lộ và thử nghiệm các hệ thống mới. Và sự "nổi lên" của ông Ri Pyong-chol, có vẻ như thêm phần khẳng định đây không phải là những lời nói suông.
Theo CAND