Thiết bị thăm dò Chúc Dung đã rời bệ hạ cánh và di chuyển trên bề mặt hành tinh đỏ, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Mô phỏng robot thăm dò Chúc Dung lăn bánh trên sao Hỏa. Ảnh: CNSA.
Chỉ ít ngày sau khi hạ cánh thành công xuống sao Hỏa và gửi về Trái Đất ảnh chụp đầu tiên, robot thăm dò Chúc Dung hôm 22/4 đã hoàn thành các bài kiểm tra chẩn đoán tại chỗ và bắt đầu lăn bánh tìm kiếm bằng chứng về sự sống, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) có thiết bị đổ bộ và vận hành trên bề mặt hành tinh đỏ.
Robot 6 bánh, nặng 240 kg và chạy bằng năng lượng mặt trời dự kiến dành khoảng ba tháng để khám phá vùng đồng bằng Utopia Planitia rộng lớn ở phía bắc hành tinh thông qua việc chụp ảnh, thu thập dữ liệu địa lý và phân tích mẫu đá.
Utopia Planitia là hố va chạm lớn nhất được công nhận trên sao Hỏa với đường kính lên tới 3.300 km. Lớp vỏ bề mặt cứng của nó được hình thành do các dung dịch khoáng chất di chuyển lên từ dưới lòng đất và bốc hơi trên bề mặt. Năm 2016, NASA đã báo cáo phát hiện một lượng lớn băng ngầm ở vùng Utopia Planitia, với lượng nước dự trữ ước tính tương đương hồ Superior ở Bắc Mỹ.
Trung Quốc đang tiến những bước dài để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nga trong cuộc đua chinh phục không gian. Cơ quan vũ trụ của nước này vào tháng trước đã phóng thành công module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Hà và có kế hoạch gửi ba phi hành gia lên trạm vào tháng 6, một bước đệm để đưa người Trung Quốc đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng trong tương lai.
Theo VNE