Rộn ràng “xóm heo đất” Lái Thiêu

Cập nhật: 23-11-2022 | 08:35:28

 “Xóm heo đất” trong những ngày này lại tất bật, rộn ràng vào vụ tết. Vài năm gần đây, nhờ nhu cầu sử dụng tăng cao trở lại, thị trường heo đất ngày càng có chỗ đứng hơn khi cạnh tranh với các mặt hàng làm bằng nhựa hoặc gỗ. Các sản phẩm heo đất đã được xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận và nhiều nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan...

 Xóm heo đất Lái Thiêu đang tất bật vào vụ tết

“Xóm Heo đất” Lái Thiêu được biết đến là một trong những nơi làm heo đất trứ danh trong và ngoài nước. Người dân sống tại đây đã gắn bó với công việc này được hơn 40 năm, có nhiều gia đình bắt đầu làm heo đất từ những năm 70 thế kỷ trước, đến nay họ vẫn giữ gìn và phát triển ngành nghề này với tâm thế đầy tự hào. Mặc dù hiện nay, trước công nghệ hiện đại, nhiều sản phẩm được sử dụng nguyên liệu mới, nhưng heo đất Lái Thiêu vẫn được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng tăng cao trở lại, các sản phẩm của “xóm heo đất” được làm với nhiều loại hình phong phú, mẫu mã đẹp, nhờ đó thị trường heo đất ngày càng có chỗ đứng hơn khi cạnh tranh với các mặt hàng làm bằng nhựa hoặc gỗ. Các sản phẩm heo đất đã được xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận và nhiều nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan...

Anh Nguyễn Văn Tuấn, khu phố Nguyễn Trãi, chia sẻ: “Cha ông tôi từ xưa đã làm nghề gốm, sau đó chuyển sang làm heo đất, đến đời tôi cũng theo làm heo đất. Làm heo đất vất vả, thu nhập không cao và cần sự tỉ mỉ, nên nhiều thanh niên đã chuyển nghề đi làm công việc khác để mưu sinh. Tôi yêu nghề này, nếu phải bỏ nó, tôi thấy nhớ mùi đất sét, nhớ những con vật xinh xắn do chính mình tạo hình, tô điểm, “thổi hồn” cho nó”.

“Những con heo đất được gia đình tôi làm từ đất sét và đổ vào khuôn rồi nung. Sau khi nung, heo đất được mang ra ngoài trời nắng và cuối cùng sơn màu rồi trang trí. Hiện nay, bình quân mỗi tháng tôi bán ra thị trường 6.000 - 8.000 sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào. Bình quân mỗi sản phẩm sau khi trừ các chi phí, tôi thu lợi nhuận

 3.000 - 4.000 đồng/con heo đất. Ngoài hình thù heo đất, gia đình tôi làm nhiều hình thù các loại con thú, trái cây, đặc biệt là linh vật của mỗi năm. Năm nay, heo đất hình thù con mèo được gia đình làm nhiều nhất, hiện phải làm thêm cả buổi tối để kịp đáp ứng nhu cầu cho dịp Tết Nguyên đán”, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Bà Lê Thị Thu Sương, chủ Cơ sở heo đất Thu Sương, khu phố Long Thới, cho biết gia đình bà làm heo đất từ nhiều đời nay, nên các công đoạn làm heo đất như đã ngấm vào máu từ thuở nhỏ. “Dù đã gần 60 tuổi, nhưng tôi vẫn thích làm để gìn giữ nghề cha ông. Hiện nay, ở Lái Thiêu chỉ còn 19 hộ, nhưng mọi người vẫn gọi là “xóm heo đất Lái Thiêu”. Mỗi dịp gần tết, xóm lại rộn ràng cả lên. Ai cũng mong muốn sẽ bán được nhiều hàng, đón tết ấm no”, bà Lê Thị Thu Sương trải lòng. Hiện nay, các hộ trong “xóm heo đất” tại phường Lái Thiêu đang tất bật sản xuất những mẻ hàng cho Tết Nguyên đán 2023.

 PHƯƠNG LÊ - DƯƠNG HUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên