Rồng cuộn kéo tiền tài...

Cập nhật: 29-12-2011 | 00:00:00

“Với doanh nghiệp, múa lân ngày tết không chỉ là vui xuân, mà còn mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm làm gì được nấy! Ngoài 2 con lân, trong bài bản múa mừng xuân thường có luôn con rồng với biểu tượng rồng cuộn kéo tiền tài, phúc lộc vào gia chủ”, võ sư Trịnh Cẩm Hà, Trưởng đoàn Lân Sư Rồng Tinh Nghĩa Đường, nhận xét.

Một con lân biểu diễn gọi là Ðộc Chiếm Ngao Ðầu, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng. Hai con lân cùng biểu diễn gọi là Song Hỷ, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp. Ba con lân hợp múa phải có 3 màu vàng, đỏ, đen, gọi là Tam Tinh, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, 3 điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ. Bốn con lân cùng múa gọi là Tứ Quý Hưng Long, gồm 4 đầu lân trắng vàng, đỏ, đen (hoặc xanh), tượng trưng cho 4 mùa, 4 phương, 4 hiện tượng trong trời đất, diễn tả tự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.  

“Năm Nhâm Thìn 2012 này Đoàn Tinh Nghĩa Đường phô diễn đến 30 thế khác nhau của múa rồng!”, võ sư Trịnh Cẩm Hà, cho biết

Tùy theo không gian chật hẹp, tùy theo ý nghĩa ngày vui, đội lân sư rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Cũng nên biết rằng, không phải ai cũng được múa đầu lân mà phải là người múa giỏi nhất trong đội (tiết mục lân lên Mai Hoa Thung thì đòi hỏi người giữ đuôi lân phải thật giỏi, giữ vai đầu lân lúc này có nhẹ trọng trách hơn!). Nếu là múa tranh giải thì phải là người đấu giỏi nhất mới được quyền múa đầu lân, vì tính quyết liệt của trận đấu tranh giải và tính sôi nổi của những pha bứt phá, tranh giành từng bước trên các độ cao khác nhau.

Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc cả 3 với nhau. Nếu Sư Tử Hí Cầu (sư tử đùa giỡn với quả cầu) đã là một nghệ thuật múa cao độ thì Long Lân Tương Hội (rồng và lân gặp nhau) lại là một nghệ thuật độc đáo vừa nhuần nhuyễn, vừa mạnh mẽ, vừa mang ý nghĩa hạnh phúc giao hòa, vừa bao hàm sức sống mãnh liệt của sự đoàn kết, hợp quần. Xem đi, xem lại, xem mãi cũng không thấy chán mà còn thấy hùng khí dâng cao, máu nóng sôi trào và tình yêu bừng bừng trỗi dậy.

Võ sư Trịnh Cẩm Hà cho biết theo tích xưa, cho rằng Ðức Di Lặc đã hóa thân thành một người chế ngự được một quái vật gọi là con lân từ dưới biển lên bờ, tìm các sinh vật ăn sống, nuốt tươi gây kinh hoàng cho mọi người. Ðức Di Lặc hóa thân thành người, gọi là ông Ðịa, lấy linh chi thảo trên núi cho quái thú ăn và hàng phục được nó, biến nó từ quái thú ăn thịt sống thành con thú ăn bắp cải và hoa quả. Từ đó, mỗi năm ông Ðịa lại dẫn nó xuống núi chúc tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Ðịa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này. Tất nhiên, ông Ðịa không cùng trèo với lân mà chỉ cùng lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Cảnh ông Ðịa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Ðịa, thật nghệ thuật, thật chan hòa tình yêu thương giữa người và vật, thể hiện được tình cảm sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc.

Múa lân sư rồng mà không có tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa thì toàn cảnh không khác hơn bức tranh tĩnh vật. “Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...”, là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa. Trống đánh trong các cuộc múa lân sư rồng gọi là Thất Tinh Cổ (trống bảy sao). Người đánh trống phải là người trưởng phái, hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, mới diễn tả hết hùng khí của lân, oai phong của sư và oanh liệt như rồng. Ở đâu vang lên tiếng trống Thất Tinh, ở đó có bầu không khí rộn ràng của cuộc múa lân sư rồng. Ở đâu có múa lân sư rồng, ở đó có cả một trời xuân.

Mỗi khi đến độ xuân về, nghe tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la xập xình, cái cảnh con lân múa may, uốn lượn, cái cảnh ông Địa cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng khiến lũ trẻ con cười nắc nẻ, làm người lớn nghĩ về những năm tháng thanh bình, no ấm vừa qua và đang tới. Một nét đẹp thật quyến rũ...

NGUYỄN GIA ĐỊNH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=444
Quay lên trên