Gốm sứ Bình Dương, hoa lan ngày tết đã xuất hiện rực rỡ tại phiên chợ kết nối hàng Việt với chủ đề “Gốm và hoa” do Sở Công thương tổ chức tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương Cannary. Đây là dịp để các đơn vị sản xuất quảng bá, trưng bày sản phẩm, nắm bắt thị hiếu của khách hàng, tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã, chinh phục người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu, niềm tự hào hàng Việt Nam.
Sản phẩm trưng bày tại phiên chợ kết nối hàng Việt với chủ đề “Gốm và hoa”
Chinh phục người tiêu dùng
Ông Trương Tư, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Như Ngọc (TP.Thuận An), cho biết là đơn vị gốm sứ mỹ nghệ chuyên sản xuất gốm sứ, các sản phẩm trang trí nội thất, sân vườn, khảm, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) đã được khách hàng châu Âu chấp nhận và chứng nhận chất lượng. Thời gian qua, DN đẩy mạnh việc phát triển thị trường nội địa và thu hút được đông đảo người tiêu dùng Việt. Năm 2021, bộ bàn ghế sofa ghép gốm của Như Ngọc là 1 trong 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia của Bình Dương. Qua thời gian, DN tiếp tục có nhiều cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Việc tổ chức phiên chợ hàng Việt với chủ đề “Gốm và hoa” của Sở Công thương lần này rất thiết thực đối với DN và người tiêu dùng. Đến với phiên chợ này, trẻ em sẽ được sống lại trong không gian truyền thống của địa phương, người lớn được mua vật dụng trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán. Không gian rực rỡ sắc màu này tạo cho nhiều người cảm giác vui xuân, đón tết, bước vào năm mới với khí thế mới sau một năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19”, ông Trương Tư xúc động chia sẻ. Đối với gốm sứ truyền thống của Bình Dương, mỗi sản phẩm ở đây đều có giá trị riêng, mang nét độc đáo gắn với từng nghệ nhân, mỗi gia đình, mỗi DN. DN Như Ngọc bên cạnh việc sử dụng máy móc để nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng gốm sứ, một số công đoạn vẫn được thực hiện bằng tay, tạo sự độc đáo cho mỗi sản phẩm… thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Không chỉ có sự tham gia của những DN lớn, phiên chợ còn thu hút nhiều cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn. Chị Lê Thị Kiều Diễm, cơ sở hoa lan Tiến Cường (TP.Thuận An) cho biết rất vui khi được tham dự trưng bày tại siêu thị Aeon lần này, kỳ vọng sản phẩm của nhà vườn sẽ được nhiều người biết đến hơn. Thông qua phiên chợ, chị sẽ cố gắng nắm bắt nhu cầu của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm, củng cố về mẫu mã, chất lượng và quảng bá rộng rãi trên thị trường. “Tham gia phiên chợ này chúng tôi đem đến các sản phẩm lan dendro, một loại hoa thông dụng với nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau phù hợp với việc trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi đã được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ và làm quen với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Kỳ vọng, sản phẩm của lan Tiến Cường được nhiều người biết đến, sản xuất phát triển hơn và thu nhập tăng cao”, chị Kiều Diễm bộc bạch.
Trên thực tế, thời gian qua, các sản phẩm địa phương đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường cũng được rộng mở, nếu trước đây sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương thì nay đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tăng cường quảng bá sản phẩm
Bà Nguyễn Thạnh Mỹ, Trưởng phòng Xúc tiến Đầu tư thương mại và triển lãm (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp - Sở Công thương) cho biết phiên chợ hàng Việt với chủ đề “Gốm và hoa” lần này thu hút được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, tạo ra một không gian đẹp trong dịp Tết Nguyên đán, nâng tầm sản phẩm địa phương. Không chỉ đi vào tâm thức người tiêu dùng về chất lượng, các sản phẩm còn chứa đựng bản sắc Bình Dương, khơi lên niềm tự hào dân tộc về sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Việc sản phẩm xuất hiện, chinh phục niềm tin của người tiêu dùng không chỉ cho thấy “sức hút” của những sản phẩm Việt mà còn khẳng định hiệu quả mà chương trình mang lại cho cộng đồng.
Xác định nâng cao chất lượng, bảo đảm quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của các sản phẩm vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp, tuy nhiên, một số chủ thể vẫn còn trăn trở về thị trường tiêu thụ và mong muốn được liên kết với DN để việc sản xuất luôn ổn định. Ông Trương Tư mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục có chính sách hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm gốm sứ để nhiều người hiểu được ý nghĩa, từ đó lựa chọn sử dụng và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Mặt khác, ông Trương Tư cũng mong muốn được tỉnh tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Thạnh Mỹ cho biết thêm việc tổ chức nhiều phiên chợ kết nối cung cầu, hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và những chương trình truyền thông về sản phẩm của Bình Dương nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy việc đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị. Trung tâm sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng và các sản phẩm địa phương có được những điểm tư vấn và giới thiệu, bán các sản phẩm, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, để mỗi sản phẩm của các DN, cơ sở thật sự là niềm tự hào hàng Việt Nam.
TIỂU MY - CÔNG THƯƠNG