Rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ nước ngầm cho hồ Dầu Tiếng nên công tác quản lý rừng ở đây được các địa phương chú trọng. Bên cạnh đó, khu vực hồ Dầu Tiếng có tiềm năng về du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả, rất cần sự quan tâm của các ngành, địa phương và nhất là các nhà đầu tư.
Lực lượng kiểm lâm huyện Dầu Tiếng thường xuyên quét dọn lá cây để phòng chống cháy rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng trong mùa khô Ảnh: H.ANH
Quản lý chặt rừng phòng hộ
Rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) có diện tích trên 3.653 ha, nhưng phải đến năm 2010 Ban Quản lý rừng mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động tháng 2-2011. Trước đó, do chưa có đơn vị quản lý trực tiếp nên nhiều hoạt động khai thác lâm sản, phá rừng trồng diễn ra phức tạp. Một số hộ dân còn chiếm giữ đất rừng, xâm canh gây mất an ninh trật tự, đe dọa sự ổn định của rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng.
Kể từ khi được thành lập, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng (Ban quản lý) dần đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng đi vào nề nếp, ổn định. Dù mới thành lập, chưa có trụ sở, công cụ làm việc còn thiếu thốn nhưng Ban quản lý vẫn kiên trì giữ vững công tác, thực thi nhiệm vụ tuyên truyền và quản lý rừng hiệu quả. Hiện Ban quản lý trực tiếp quản lý 651,45 ha, giao khoán 2.333,46 ha cho các hộ gia đình quản lý, số còn lại là diện tích đất xâm canh của các gia đình sống trong khu vực. Chỉ trong một thời gian ngắn Ban quản lý đã giao đất cho hàng trăm hộ dân, giúp họ cùng Nhà nước giữ rừng, khai thác nguồn lợi bền vững của rừng. Đây được xem là hướng đi hợp lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng hiện nay.
Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, Ban quản lý đã kiến nghị và được tỉnh cho phép kiểm tra, rà soát, xây dựng thêm nhiều tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng; xem xét hỗ trợ thêm phụ cấp cho cán bộ bảo vệ rừng và lập phương án tái định cư cho 45 hộ dân đang sống ở ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng…
Nhiều tiềm năng du lịch
Khu vực núi Cậu nằm bên hồ Dầu Tiếng có vị trí xung yếu của rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng; bên cạnh đó, phong cảnh bên rừng, bên hồ hữu tình phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Bình cho biết tiềm năng du lịch ở khu vực hồ Dầu Tiếng rất lớn, cần phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở đây.
Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Công ty Xây dựng - Thương mại Đông Hưng, một trong những doanh nghiệp địa phương đang có ý định đầu tư khu du lịch sinh thái tại đây, cho biết Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 5km, cách TP.Thủ Dầu Một 50km và trung tâm TP.HCM khoảng 80km. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nhất là khi các tuyến đường nối đến trung tâm huyện Dầu Tiếng hoàn thành.
Cũng theo ông Thái, với bán kính khoảng 40km từ trung tâm huyện Dầu Tiếng đến các điểm du lịch nổi tiếng khác trong vùng như Khu du lịch Đại Nam, Địa đạo Củ Chi, Khu du lịch Một Thoáng Việt Nam, Khu du lịch núi Bà Tây Ninh... nếu Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng hình thành sẽ tạo thành một quần thể du lịch, rất thuận lợi trong việc hình thành các tour, tuyến du lịch cho khách trong và ngoài nước vào dịp cuối tuần, nghỉ dài ngày.
Thực ra, từ nhiều năm qua, nhiều diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng đã được giao cho các hộ dân quản lý, chăm sóc. Cũng đã có vài điểm du lịch nhỏ được người dân thuê đất, mở khu du lịch nhưng vẫn chưa khai thác được tiềm năng sẵn có. Chính vì thế, để phát triển bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng, Ban quản lý không chỉ xúc tiến giao đất, giao rừng cho dân cùng quản lý mà xa hơn nữa cần kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển du lịch, để vừa bảo đảm nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, vừa bảo vệ rừng đầu nguồn bền vững.
K.VINH - Q.NHIÊN