Cùng với các địa phương khác, năm học 2021-2022, huyện Phú Giáo triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Các điều kiện chuẩn bị cho việc thay sách được ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện thực hiện kỹ càng và chu đáo.
Thực hiện tốt thay sách lớp 1
Năm học 2020-2021, Phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1. Chuẩn bị các điều kiện thực hiện thay sách giáo khoa (SGK), ngành đã rà soát, tuyển dụng bổ sung, bố trí đội ngũ giáo viên (GV) đáp ứng yêu cầu đề ra. Cán bộ quản lý, GV, nhất là GV lớp 1 tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn chương trình GDPT 2018, tập huấn SGK do bộ, sở và Phòng GD-ĐT tổ chức. Đối với cơ sở vật chất, thực hiện chương trình SGK mới, ngành đã tổ chức cho các trường rà soát, bổ sung, sửa chữa phòng học bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh (HS). Bên cạnh đó, các trường cũng rà soát thiết bị dạy học hiện đại có sẵn, lập kế hoạch mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, đặc biệt là đồ dùng, thiết bị dạy học lớp 1 để phục vụ công tác giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin của GV.
Phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo tập huấn chương trình thay SGK lớp 2, lớp 6 chuẩn bị cho năm học 2021-2022
Ông Trịnh Quang Thêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo, đánh giá đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phú Giáo đã hoàn thành tốt việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1. GV bước đầu đã áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; nề nếp dạy học đã từng bước ổn định. Các trường cũng tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài trời nhằm phát triển năng lực HS; giáo dục kỹ năng sống, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho các em.
“Kết quả cuối năm, đa số HS đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học. Với các phương pháp dạy học linh hoạt kết hợp nhiều trò chơi, ngoài SGK, GV chủ động sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập và gần gũi với GV. Từ đó, giờ học trở nên sinh động, sôi nổi; HS hứng thú tham gia các hoạt động khởi động trước tiết học, giúp phát triển năng lực, phẩm chất của các em. Còn GV được trao quyền chủ động lựa chọn tài liệu, ngữ liệu phục vụ công tác soạn giảng, vì vậy chất lượng các bài giảng được nâng lên”, ông Thêm nói.
Sẵn sàng thay sách lớp 2, lớp 6
Năm học 2020-2021, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nhưng toàn ngành GD-ĐT huyện Phú Giáo đã khắc phục khó khăn, tiếp tục chuẩn bị điều kiện để thực hiện chương trình thay SGK lớp 2, lớp 6. Nói về những việc đã làm, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo, cho biết ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV của từng môn học, lớp học để tham mưu, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng, bổ sung đội ngũ GV. Căn cứlộtrình triển khai áp dụng chương trình GDPT mới, phòng xác định đối tượng vàsốlượng GV cần bồi dưỡng để xây dựng kếhoạch bồi dưỡng GV; chủđộng phối hợp bồi dưỡng GV thực hiện chương trình GDPT 2018 phù hợp.
Để nâng cao tính hiệu quả trong việc thực hiện chương trình thay SGK, Phòng GD-ĐT kiện toàn và phát triển đội ngũ GV cốt cán ở trường làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng GV và triển khai chương trình GDPT mới. Ngành cử cán bộ quản lý, GV tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng; bảo đảm tất cả các thầy cô hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình thay sách ở lớp 2 và lớp 6. Ông Tuấn cho biết: “Song song đó, ngành cũng chú ý bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, GV theo chuẩn nghề nghiệp và năng lực phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho GV; bồi dưỡng các mô đun 3, 4 cho GV đại trà dạy lớp 2, lớp 6; tập huấn sử dụng SGK lớp 2 lớp 6 theo kế hoạch của Sở GD-ĐT”.
Cơ sở vật chất là một trong những điều kiện quyết định sự thành công khi triển khai chương trình GDPT mới. Do đó, ngành GD-ĐT huyện Phú Giáo đã thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, HS; xác định quy mô, nhu cầu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDPT trên địa bàn huyện. Ngành đã chỉ đạo các trường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Thông tin thêm về công tác triển khai chương trình thay SGK lớp 2, lớp 6, ông Tuấn cho rằng chương trình GDPT mới có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực của đội ngũ nhà giáo, do đó bản thân các thầy cô giáo phải “tựthay đổi mình” để thích nghi. GV phải xác định được những vấn đề cần đổi mới: Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương tiện và hình thức tổ chức, đánh giá. Thầy cô phải thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận vấn đề, trở thành người truyền cảm hứng và định hướng cho sự phát triển của HS.
ÁNH SÁNG