Sản xuất dệt may đối mặt với nhiều khó khăn mới

Cập nhật: 18-07-2011 | 00:00:00

Những dấu hiệu tích cực về đơn hàng sản xuất trong nửa năm đầu đang bắt đầu bị tác động từ bên ngoài. Đơn hàng sản xuất cho những tháng cuối năm đã đột ngột giảm.

Đơn hàng quay về Trung Quốc

Với 6,16 tỷ USD đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, dệt may vẫn là ngành dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với thuận lợi trên, ngành dệt may đặt nhiều kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch 13,5 tỷ USD xuất khẩu trong 6 tháng còn lại. Chỉ còn hơn 7 tỷ USD cho 6 tháng, việc đó trong tầm tay của ngành, khi những tháng cuối năm là mùa xuất khẩu chính với những đơn hàng có giá trị cao. Tuy nhiên, thị trường đã có bước điều tiết mới.

  Dệt may xuất khẩu trước bài toán thị trường cuối năm.

Vừa có chuyến công tác ở Hồng Kông (Trung Quốc) về, ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, theo thông tin từ các nhà nhập khẩu nước ngoài, do tình hình kinh tế ở Mỹ, EU vẫn còn nhiều khó khăn nên các nhà nhập khẩu dự báo, lượng hàng tiêu thụ tại những thị trường trên sẽ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2010.

Chia sẻ này giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham khảo để điều chỉnh thích hợp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Ân lo ngại, ảnh hưởng dấu hiệu tiêu cực của thị trường, nhiều khả năng đơn hàng và sản lượng đơn hàng sẽ ít. Từ đó dẫn đến sự cạnh tranh về giá, giá trị mang lại của doanh nghiệp sẽ thấp đi.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo, nhiều thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong quý 3, 4 tới, nên sức tiêu thụ tại những thị trường này đang giảm. Chính vì vậy, năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp sẽ dôi ra, dẫn đến việc lo thiếu đơn hàng.

Thêm một lý do khiến thị trường xuất khẩu dệt may đột ngột có thay đổi là việc dịch chuyển đơn hàng trở lại sản xuất ở Trung Quốc. Trong 2 năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu và chính sách phát triển kinh tế, dẫn đến chi phí sản xuất hàng dệt may tại Trung Quốc tăng cao. Vì vậy, đã có làn sóng dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác và Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu hàng dệt may thế giới. Nhưng hiện tại, kinh tế Trung Quốc đang lạm phát ở mức cao. Trong tình hình này, ngành dệt may được quan tâm trở lại, Trung Quốc đã hạ giá để cạnh tranh, thu hút đơn hàng từ nhà nhập khẩu. Vì Trung Quốc có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, năng lực sản xuất nên dễ đưa ra giá bán cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, tình hình đơn hàng, sản xuất dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện nay vẫn tốt, không có gì biến động. Các doanh nghiệp cần nắm bắt thị trường và tỉnh táo để không bị nhà nhập khẩu ép giá.

Gánh nặng chi phí đầu vào

Các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam thừa nhận, dù đơn hàng có nhiều nhưng với chi phí đầu vào tăng quá cao như hiện nay thì doanh nghiệp khó có lãi. Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa cho biết, giá đơn hàng trong năm nay tăng 10%-15% so với năm 2010 nhưng doanh nghiệp không thể vui vì đang phải gánh rất nhiều chi phí đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn, càng có nhiều lao động lại càng lo. Ở mặt tích cực, việc giữ được nhiều lao động ở lại với doanh nghiệp là điều vui. Thế nhưng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn bày tỏ sự lo lắng vì phải chi nhiều hơn thu. Khi mức lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh tăng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tăng thêm khoản chi cho bảo hiểm xã hội. Đây là bài toán khó cho những doanh nghiệp lớn có đến 2.000 - 3.000 lao động.

Việc phải gia tăng chi phí đầu vào đã và đang tạo thêm nhiều áp lực cho doanh nghiệp dệt may, nhất là cho bài toán lương thưởng cuối năm sắp tới. Doanh nghiệp dệt may đang mong chờ và hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách tháo gỡ khó khăn thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên