Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học đã tổ chức trang trí, sinh hoạt chuyên đề nhằm tạo không khí vui tươi cho học sinh. Qua các hoạt động cũng giáo dục thêm cho các em về văn hóa truyền thống dân tộc.
Hòa trong không khí rộn ràng của xuân năm nay, trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Thuận An) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động chào xuân vươi tươi, lành mạnh, bổ ích. Cô Nguyễn Thị Lý Tuyết, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết các chương trình mừng Đảng mừng xuân của trường tổ chức giản dị nhưng giúp các em hiểu hơn về giá trị truyền thống dân tộc, hình ảnh quê hương đất nước từ những món ăn dân dã, truyền thống tết, những đồ chơi mang đậm truyền thống và hiểu hơn những nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Bên cạnh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tết cổ truyền cho học sinh, hơn 2 tuần qua, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã được khoác lên mình chiếc áo mới với màu sắc rực rỡ. Hình thức trang trí phổ biến nhất được các trường thực hiện là trang trí cổng trường, các tiểu cảnh chào xuân với các phụ kiện bắt mắt như: Câu đối đỏ, bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai, đèn lồng… đã tạo thành một điểm “check-in” lý tưởng cho thầy cô, học sinh và cả phụ huynh.
Toàn bộ việc trang trí, dựng tiểu cảnh đều do giáo viên và học sinh cùng nhau lên ý tưởng, thực hiện. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng của các em học sinh cũng như phụ huynh.
Tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP.Thuận An), không khí tết đến, xuân về tràn ngập khắp sân trường. Từng bông hoa mai, hoa đào được gắn kết lên cành qua bàn tay khéo léo của các em học sinh đã mang đến một không gian xuân đặc sắc. Em Đỗ Ngọc Phương, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ, chia sẻ: “Thông qua các hoạt động này, chúng em được hiểu thêm về tết cổ truyền của dân tộc cũng như phong tục tập quán của từng vùng miền của đất nước. Em cảm thấy rất vui khi được góp sức vào trang trí trường học thêm đẹp hơn khi xuân về”.
Trong không khí của sắc xuân Ất Tỵ 2025 đang đến gần, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề tết cổ truyền của dân tộc đã và đang được các trường học triển khai một cách phù hợp, linh hoạt. Các hoạt động trải nghiệm này đã tạo ra một sân chơi lành mạnh và có ý nghĩa, giáo dục cho học sinh, thu hút các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Những hoạt động này cũng tạo điều kiện để các em được học hỏi, hiểu biết hơn về tết cổ truyền.
Cô và trò trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm (TP.Thủ Dầu Một) tất bật với các hoạt động trải nghiệm như gói bánh chưng ngày tết, làm mứt, trang trí cành mai, cành đào... Theo lãnh đạo nhà trường, việc tổ chức các hoạt động này với mong muốn trẻ có những trải nghiệm thú vị và có cơ hội tìm hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tết cổ truyền của dân tộc. Những hoạt động mang lại không khí vui tươi, hào hứng cho trẻ. |
HỒNG PHƯƠNG