(BDO) Dù năm học 2022-2023 chưa tới nhưng nhiều ngày qua câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) tăng giá đã trở thành đề tài “nóng” và nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là câu chuyện khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng.
Sách giáo khoa thay đổi liên tục theo năm, nhiều đầu sách và giá thành tăng gấp 2-3 lần so với trước đây (ảnh: Nhà xuất bản giáo dục)
SGK tăng đột biến
Ngày 25-5, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn lý giải về việc giá SGK tăng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc tăng giá SGK thời điểm này là không phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đặc biệt, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp thu hút lượng lao động khá lớn về đây để sinh sống và làm việc, việc tăng giá SGK cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ vì thêm gánh nặng tiền trường trong năm học tới.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, công việc của chị gặp nhiều khó khăn lại đứng trước cơn “bão giá” của một số mặt hàng khiến cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. “Vàng tăng rồi đến lượt xăng cũng tăng giá, nay lại nghe thông tin SGK của các con học cũng tăng giá mà tăng gấp mấy lần bản thân tôi cũng thấy hoang mang vô cùng. Rồi sắp tới không biết còn tăng những cái gì nữa bởi ngoài đứa học lớp 7 ra thì gia đình tôi còn một cặp song sinh đang học mầm non nữa. Với đồng lương công nhân ít ỏi của 2 vợ chồng thì vấn đề này luôn làm chúng tôi lo lắng vì ngoài SGK còn có quá nhiều thứ phải lo trong năm học mới”, chị Thanh nói.
Năm học 2022-2023, chị Phạm Thị Hợp (hiện đang làm công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần, TP.Dĩ An) cũng có con gái chuẩn bị vào lớp 3 cho rằng, với khổ giấy và chất lượng giấy SGK như con chị đang học hiện tại là đã đủ tốt để dùng cho một năm, nếu nâng cao chất lượng giấy mà giá thành lại tăng gấp 2-3 lần thì không cần thiết và quá lãng phí.
SGK tăng giá đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây
Trước thông tin SGK tăng giá, cũng như bao phụ huynh khác chị Hợp không khỏi lo lắng. “Kể từ khi con học online là tôi đã phải xoay xở để mua cho con một máy tính để con theo học. Đến nay, lại nghe thông tin SGK tăng giá, với đồng lương công nhân ít ỏi này thì việc SGK tăng giá cũng là điều chúng tôi đáng phải lo nghĩ khi năm học mới sắp bắt đầu. Năm ngoái con gái tôi cũng học sách đổi mới, năm nay lại đổi mới tiếp bản thân tôi cảm thấy hơi choáng khi phải cho con chạy theo các chương trình đổi mới như vậy”, chị Hợp chia sẻ.
Mong “bình ổn” giá sách
Còn với anh Tống Văn Minh ở phường An Phú, TP.Thuận An kể, nhà anh có 2 đứa con, một lớp 3 và lớp 5 sách học xong vẫn còn mới tinh nhưng chỉ để lại bán giấy vụn chứ không thể tận dụng lại. Chưa kể năm ngoái cả bộ sách của con gái anh có những quyển không dùng tới.
“Nếu SGK tăng do chất lượng giấy, khổ giấy thì tôi thấy không cần thiết và không hợp lý. Bởi vì, bộ sách mà chỉ dùng một lần rồi lại thay mới thì không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Dịch bệnh kéo dài suốt hai năm qua, cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, việc giá SGK tăng cao như vậy tôi thấy không phù hợp trong lúc này. Tôi mong nhà nước sẽ có giải pháp phù hợp hoặc chính sách trợ giá để giảm bớt gánh nặng đè lên vai phụ huynh mỗi dịp đầu năm học mới”, anh Minh nói thêm.
Ở một góc nhìn khác, chị Trần Thị Thanh Tâm ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một tâm sự: “Bỏ qua việc giá sách tăng cao, theo tôi thấy việc tăng khổ sách cũng khiến trọng lượng của các cuốn SGK tăng. Việc nhìn những em học sinh lớp 1, 2 khệ nệ xách từng chiếc cặp đi vào lớp thật sự rất thương các em. Điều phụ huynh chúng tôi quan tâm và mong muốn nhất chính là chất lượng kiến thức ở trong SGK truyền tải cho học sinh chứ không phải ở yếu tố khổ to giấy tốt. Rất mong các cơ quan liên quan hãy đưa mình vào vị trí của học sinh và phụ huynh, xem điều kiện thực tế của người dân để có sự điều chỉnh phù hợp”.
Liên quan đến vấn đề SGK tăng 2-3 lần, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng và các bộ, ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, rộng đường trong dư luận.
“Sách giáo khoa là dịch vụ thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Hồng Phương