Sai phạm không thể trả giá giá bằng hình phạt

Cập nhật: 28-04-2011 | 00:00:00

Những ngày gần đây dư luận hết sức lên án vụ  Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Trong năm 2009, công ty kinh doanh thua lỗ 3.000 tỷ đồng và còn khả năng thua lỗ tiềm ẩn với khoản  tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỉ đồng. Một cơ quan Nhà nước như vậy mà lại để mức sai phạm với số tiền quá lớn, chuyện con voi chui lọt lỗ kim, đã làm bàng hoàng  những ai nghe thấy .Vụ Vinashin chưa xử lý xong lại đến vụ của Công ty ALCII. Từ đó dễ cho người ta một suy nghĩ có phải hể nắm trong tay tài sản lớn thì sai phạm lớn, nhỏ thì sai phạm nhỏ. Tài sản của Nhà nước, của nhân dân dễ dàng sử dụng tùy tiện, thất thoát vậy sao?

 

Theo Kiểm toán nhà nước, công ty còn vi phạm quy định khi huy động tiền gửi ngắn hạn; trả lãi cho khách hàng không đúng thỏa thuận trong hợp đồng; huy động vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng nhà nước (huy động 1.331 tỷ đồng với mức lãi suất trên 17,5%/năm thông qua 26 hợp đồng, thiệt hại trên 1,1 tỉ đồng); vượt hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng nhà nước (đến 31-12-2009), công ty huy động từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam số tiền 1.010 tỷ đồng, vượt quá 610 tỷ đồng (gấp 2 lần) so với hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng nhà nước.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Theo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động cho thuê tài chính của công ty cũng có sai phạm. Cụ thể, Hội đồng quản trị đã ban hành văn bản hướng dẫn có nội dung không đầy đủ, trái với quy định của nhà nước; thực hiện thẩm định hồ sơ trước khi cho thuê còn rất nhiều vi phạm. Nhiều khách hàng thuê có tình hình tài chính rất khó khăn, không trả được nợ gốc và lãi hoặc có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng khác nhưng công ty vẫn tiếp tục mua và cho thuê tài sản. Riêng ở mảng đầu tư tài sản và cho thuê tài chính, Công ty Cho thuê tài chính II chấp thuận đầu tư một số công ty mới thành lập, vốn điều lệ thấp, nhưng đã đầu tư vốn gấp từ 10 đến 30 lần vốn điều lệ của khách hàng cho thuê. Điển hình là vụ đầu tư mua xe cẩu thủy lực 250 tấn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh với giá 65 tỷ đồng; trong khi xe cẩu này được Công ty Quang Vinh mua với giá chỉ gần 32 tỷ đồng. Một trong những sai phạm dẫn đến thua lỗ nhiều nhất của công ty  là đầu tư vào tài sản cho thuê nhưng không có dự toán, thiết kế, không có cơ sở xác định giá của tài sản hoặc có dấu hiệu không bình thường trong việc xác định giá tài sản. Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm tại công ty thuộc về ông Vũ Quốc Hảo. Một số cá nhân khác của Agribank cũng có liên quan...

 

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng – Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng NN-PTNT - Agribank), Tôn Quang Việt (Phó Trưởng phòng nghiệp vụ cho thuê tài chính của công ty), Đặng Văn Hai (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh). Cả ba bị can đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Vì sao một doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Ngân hàng Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn, năm 2007 còn nợ ngân hàng tới 2.555 tỉ đồng, vươt hạn mức 1.325 tỉ đồng theo qui định lại được chủ tịch HĐQT ngân hàng NN-PTNT phê duyệt cho công ty vay vốn đến 3.770 tỉ đồng. Theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, rủi ro lớn nhất đối với dịch vụ CTTC là việc giám sát, thanh kiểm tra còn lỏng lẻo. Khi công ty con hoạt động yếu kém được NH mẹ “viện trợ” vốn bằng cách châm chước và đưa ra các điều kiện ưu đãi; thêm vào đó, kiểm soát nội bộ trong từng NH do ràng buộc quyền lợi với nhau khiến dịch vụ này càng  trở nên mất an toàn. Cũng theo ông Kiêm, NHNH cũng cần phải xem lại quy trình giám sát, xử lý sai phạm khi phát hiện. Thanh tra có vào làm việc, có phát hiện nhưng không quyết liệt, đã đẩy ALC2 đến bờ vực phá sản.

 

Những sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC2) với số lỗ được kiểm toán hơn 3.000 tỉ đồng đang là hồi chuông báo động về hoạt động của các công ty cho thuê tài chính (CTTC) hiện nay.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong số 13 công ty CTTC đang hoạt động hiện có 4 công ty 100% vốn nước ngoài (ANZ - VTrac; Quốc tế Việt Nam, Kexim, Chailease), 1 công ty trực thuộc Tập đoàn Vinashin, 8 công ty còn lại đều là công ty con của NH. Cụ thể Agribank có ALC1 và ALC2; NH Đầu tư và Phát triển có BLC và BLC1; Vietcombank và Vietinbank mỗi NH cũng có 1 thành viên, 2 công ty còn lại thuộc sở hữu của NH Á Châu - ACB và Sài gòn Thương tín - Sacombank

 

Công ty mẹ - công ty con giữa NH và công ty CTTC, theo một chuyên gia kinh tế chỉ là tên gọi theo luật. Trên thực tế, công ty con như cái sân sau phục vụ công ty mẹ. Công ty mẹ thường xuyên bơm vốn cho các công ty con một cách dễ dãi. Sau đó công ty con CTTC với các DN năng lực yếu kém, hoạt động không hiệu quả rất thiếu an toàn, rủi ro. Chuyên gia này kiến nghị cần phải có đợt thanh kiểm tra toàn diện đối với các công ty CTTC hiện nay để làm rõ huy động vốn bao nhiêu, vay từ công ty mẹ bao nhiêu, dư nợ tín dụng như thế nào, nợ xấu chiếm tỷ lệ ra sao. Tránh đến khi đổ vỡ kéo theo hiệu ứng domino cho cả hệ thống tài chính, NH.

 

Khi sai phạm lớn được phát hiện, lẽ đương nhiên phải có hình phạt cho người  chịu trách nhiệm dẫn đến sai phạm, song không có hình phạt nào xứng đáng cho việc mất lòng tin của nhân dân, nhất là với ngân hàng Nhà nước. Đã từng xãy ra nhiều vụ việc phá sản của các tổ chức ngân hàng tư nhân cổ phần khiến người dân  đa số chỉ tin vào ngân hàng Nhà nước, song kiểu quản lý như thế này làm thất thoạt  như vậy làm sao trả giá bằng hình phạt cho đủ.

 

Quỳnh Trang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên