“Sân khấu hóa” trong giải quyết các tình huống pháp lý: Một cách tuyên truyền pháp luật nhẹ nhàng, dễ nhớ

Cập nhật: 14-08-2023 | 09:36:30

Dưới hình thức sân khấu hóa, hội thi “Hòa giải viên (HGV) giỏi” huyện Bàu Bàng năm 2023 thể hiện sinh động các tình huống mâu thuẫn, tranh chấp ở gia đình, hàng xóm cũng như đặt ra yêu cầu đội ngũ HGV cơ sở phải khéo léo trong cách hóa giải mâu thuẫn, từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định của pháp luật.


Các tiết mục thi tiểu phẩm được thể hiện sinh động lôi cuốn tại hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023 huyện Bàu Bàng

Hội thi HGV giỏi năm 2023 được Hội đồng Phối hợp phổbiến giáo dục pháp luật huyện Bàu Bàng tổchức gồm 4 phần thi: Phần thi tự giới thiệu, phần thi rung chuông vàng, phần thi xử lý tình huống và phần thi tiểu phẩm.

Nội dung phần thi rung chuông vàng và xử lý tình huống liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, một số quy định pháp luật thường được vận dụng trong quá trình hòa giải ở cơ sở liên quan mật thiết trong đời sống hàng ngày của nhân dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phần thi tiểu phẩm là những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thường gặp trong nhân dân mà các thí sinh ở cơ sở vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giải quyết.

Qua ghi nhận, hội thi được các thí sinh đầu tư chỉn chu từ hình thức đến nội dung. Điển hình như câu chuyện một người chồng không đi làm nhưng suốt ngày nhậu nhẹt, say xỉn về đánh vợ; một gia đình đổnước bẩn ra đường đi chung hoặc để rác sang nhà hàng xóm dẫn đến cãi nhau kịch liệt là những câu chuyện đời thường được các đội thi chuyển tải sinh động, chân thật vào nội dung thi tiểu phẩm…

Đánh giá về hiệu quả của hội thi, bà Võ Thị Tổng, Trưởng ban Giám khảo, cho biết hội thi là dịp để các HGV học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác hòa giải, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Qua xử lý các tình huống giúp rút ra kinh nghiệm, phương pháp, cách thức mới trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần phòng ngừa và hạn chế các tranh chấp nhỏ trong nhân dân; xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Cũng theo bà Võ Thị Tổng, thực tiễn hoạt động công tác hòa giải trên địa bàn huyện Bàu Bàng thời gian qua nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, UBND huyện, xã, thị trấn đều ban hành kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở, kiện toàn và củng cố lực lượng HGV ở các ấp, khu phố theo quy định.

Để hoạt động hòa giải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, huyện Bàu Bàng đang tổ chức mô hình tổ hòa giải theo đơn vị khu phố, ấp. Theo đó, mỗi khu phố, mỗi ấp được bầu một tổ hòa giải có số lượng từ 5 - 7 người. Các thành viên của tổ hòa giải được cơ cấu đều khắp các tổ dân phố, các ấp. Hiện tại, huyện Bàu Bàng có 45 tổ hòa giải/45 ấp, khu phố với 287 HGV. Đội ngũ HGV ở các ấp, khu phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn bảo đảm theo quy định, yêu cầu thực tế của địa phương. Năm 2022, tổ hòa giải ở các ấp, khu phố đã tiếp nhận 19 trường hợp, kết quả đã đưa ra hòa giải và hòa giải thành 19 trường hợp (đạt tỷ lệ 100%).

PHƯƠNG QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên