Sân khấu nghệ thuật Cải lương: Món ăn tinh thần không thể thiếu

Cập nhật: 19-09-2014 | 11:19:01

Cải lương (CL) là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm ở nước ta. Trải qua gần trăm năm, với những bước thăng trầm đầy gian khó, sân khấu CL vẫn sáng đèn và là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng.

Các nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong trích đoạn cải lương “Câu thơ yên ngựa” biểu diễn trong chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.

Ảnh: T.VĂN

Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, cùng với năng khiếu thiên phú của những người mộ điệu, Bình Dương đã từng kết tinh được 5 đoàn CL: Sông Bé 1, Sông Bé 2, Sông Bé 3, Sông Bé 4, Sông Bé 5. Các đoàn đã biểu diễn khắp nơi trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí còn có mặt ở những vùng sâu vùng xa không có điện và đường đi thì khó khăn hiểm trở. Có khi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Tây Nam bộ. Và đặc biệt, đi đến đâu cũng được dân thương dân quý, các suất diễn đều đông nghẹt khán giả.

Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ kể lại những kỷ niệm không thể nào quên khi còn là cô đào chánh của Đoàn cải lương Sông Bé 3: “Thời bao cấp Bình Dương còn nghèo lắm. Nhiều đêm đang diễn bị cúp điện, phải diễn bằng đèn măng sông, hát không có loa, nhưng khán giả vẫn xem rất đông và cổ vũ rất nhiệt tình. Sau suất diễn, mọi người trong đoàn chia sẻ với nhau những bữa cơm “mặn nồng” (trứng vịt kho muối hột) nhưng ai nấy đều rất vui vẻ, đoàn kết và rất yêu quý nhau”.

“Mặc dù CL ngày nay không còn thịnh, nhưng tại các CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) trong tỉnh vẫn truyền cho nhau những bài bản Tổ, những bài ca ra bộ, những chập CL và những trích đoạn CL vang bóng một thời. Và nhiều bạn trẻ có thanh, có sắc cũng đã tìm đến học hỏi ở các nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa của tỉnh, với ước mong có thể làm sống lại thời hoàng kim của sân khấu”, nghệ sĩ Thu Hồng, cô đào chánh của Đoàn CL Sông Bé 1, nay là Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết.

Nhiều trăn trở và nỗi lo về sân khấu nghệ thuật ở Bình Dương, nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã nói: “Dù trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều khó khăn và thử thách nhưng qua các hội thi, hội diễn, liên hoan gần đây với sự tham gia ngày càng đông của các “diễn viên quần chúng” và đằng sau đó là sự chỉ dạy nhiệt tình, sự cống hiến thầm lặng của những nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa một thời của Bình Dương, tất cả đã cho thấy sân khấu nghệ thuật vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp chính quyền địa phương”.

Để ĐCTT-CL nói riêng và sân khấu truyền thống nói chung ngày càng hoàn thiện hơn, phát huy vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, các ngành, các cấp cần khẩn trương chung tay góp sức đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống phát triển sâu rộng hơn trong công chúng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan để các “diễn viên quần chúng” được giao lưu học hỏi. Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức nhiều lớp học bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Tỉnh cần có chế độ chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ. Và nên chăng, Ngành giáo dục - đào tạo đưa các môn âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường.

THỤC VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1360
Quay lên trên