Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu

Cập nhật: 16-01-2023 | 09:57:28

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt động vật trên địa bàn huyện tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Để chủ động nguồn cung, các trang trại, hộ chăn nuôi đã tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, đúng liều lượng, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản phát triển ổn định. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà trại lạnh cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện

 Chủ động tái đàn

 Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời gian qua, ngành chăn nuôi huyện Bàu Bàng chủ động tái đàn, phòng chống dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng.

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Định, chủ trang trại gà ở xã Long Nguyên rất phấn khởi khi đàn gà 5.000 con phục vụ Tết Nguyên đán đã có thương lái đặt hàng. Ngoài ra, đàn gà 3.000 con nuôi sau một tháng so với lứa gà tết, để phục vụ dịp lễ hội đầu năm cũng có nhiều người hỏi mua. Chị Định cho biết nhờ thực hiện đúng công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, đúng liều lượng, cho nên từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh trên đàn gà được kiểm soát tốt. Anh Võ Hữu Thành, đại diện trang trại chăn nuôi gà (ở ấp Mương Đào, xã Long Nguyên), cho biết trang trại hiện có hơn 140.000 con gà lông trắng được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng gà bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mỗi con gà ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Hàng tuần, trại cho phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại 1 lần; đồng thời định kỳ hàng tháng phun thuốc khử mùi 2 lần bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Ðiều đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, giá bán cũng cao hơn, việc tiêu thụ ổn định hơn. Ðể chủ động nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán, từ tháng 9, tháng 10-2022, các hộ chăn nuôi đã vệ sinh chuồng trại, tăng số lượng chăn nuôi từ 150 - 200% so với các lứa gà đầu năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.

Bảo đảm nguồn cung ứng

 Không thuận lợi như chăn nuôi gà, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí đầu vào chăn nuôi heo tăng cao, nhưng giá bán bấp bênh. Ngay trong tháng 12- 2022, giá thịt heo hơi giảm chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt nguy cơ thua lỗ. Anh Kiều Trí Cường, hộ chăn nuôi heo tại thị trấn Lai Uyên, cho biết với giá bán thịt heo hơi hơn 50.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ từ 7.000 - 8.000 đồng/ kg.

Còn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn chỉ hòa vốn hoặc lãi rất ít. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi vẫn tin tưởng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, giúp giá cả nâng lên. Vì thế, các cơ sở chăn nuôi vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung tăng hơn từ 20 - 30%, góp phần bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường... Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, mặc dù giá thức ăn tăng cao, nhưng giá bán gà tương đối ổn định giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư tái đàn, nhất là nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên giá bán gà cũng cao hơn, dễ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, cho biết hiện nay phương thức chăn nuôi có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại sản xuất hàng hóa; bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Sản phẩm từ chăn nuôi có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Trong năm 2022 thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với công tác bảo đảm dịch bệnh trên đàn gà, nhất là dịch cúm gia cầm được kiểm soát và giá bán tương đối ổn định, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng có khoảng 3,2 triệu con gia cầm, 113 trang trại chăn nuôi gia cầm (chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 54 trại nuôi gia cầm) chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo hình thức trại kín (trại lạnh).

Để chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, những tháng cuối năm 2022, ngành chăn nuôi của huyện đã tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trạm đã yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh để từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, không để phát sinh ổ dịch. Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Tổng đàn heo 228.533 con, bò 1.823 con, trâu 250 con, dê 365 con, gia cầm 3.165.313 con. Với tổng đàn như trên, chăn nuôi gia súc, gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Bàu Bàng và vùng lân cận trong dịp Tết Nguyên đán.

 THOẠI PHƯƠNG - PHÚ HÀO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=560
Quay lên trên