Sản xuất công nghiệp kỳ vọng khởi sắc hơn

Cập nhật: 28-09-2023 | 08:33:59

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp tại Bình Dương trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp và hành động quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Công ty Cổ phần Tôn Đông Á

 Đơn hàng trở lại

Ngành công nghiệp vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Bình Dương. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, các DN đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn chuyển đổi số, góp phần duy trì đà tăng trưởng. Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%, đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giátrị sản xuất toàn ngành, thúc đẩy tăng trưởng chung.

Theo đánh giá của Sở Công thương, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đang có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn khó khăn nhất định, giánguyên nhiên vật liệu đầu vào có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, áp lực lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến quý cuối quý III-2023 các DN đã bắt đầu ký kết được đơn hàng xuất khẩu mới, đó là một điểm sáng đối với sự phục hồi của nền kinh tế.

Hiện hầu hết các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt. Đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi số, nhanh chóng ổn định, giữ nhịp hoạt động sản xuất, kinh doanh, ký kết được các đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng. Do đó các DN phải tuyển dụng với số lượng lớn lao động, đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Úc, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Logistics, Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam (TP.Tân Uyên) cho biết, hiện hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, bước vào những ngày đầu tháng 9-2023, đơn hàng gia tăng, công nhân tăng ca để sản xuất, bảo đảm đơn hàng được giao đúng tiến độ. Cũng trong tháng 9 này, một nhà máy mới của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam đã được đưa vào hoạt động, công ty đang tuyển dụng nhiều lao động vào làm việc.

Vẫn là động lực tăng trưởng

Các DN cũng đang đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường liên kết ngành để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất khép kín. DN chú trọng phát triển sản xuất xanh, chuyển đổi số, tăng nội địa hóa nhằm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường các nước có lợi thế cạnh trạnh.

Ông Sompob Witworrasakul, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (TX.Bến Cát), cho biết công ty hoạt động với công suất 220.000 tấn mỗi năm và luôn hướng đến công nghệ sản xuất hiện đại. “Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành và sự nỗ lực hết sức của DN, hiện công ty đã dần tháo gỡ những khó khăn và đang ổn định sản xuất. Hiện Vina Kraft đang ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, khẩn trương tập trung nhân công, đề ra nhiều giải pháp để tăng tốc đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng trong quý IV, để hoàn thành kế hoạch đặt ra của cả năm 2023”, ông Sompob Witworrasakul cho biết thêm.

Để giúp DN vượt qua khó khăn phục hồi sau đại dịch, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, nhất là các chính sách về thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp, như: Cơ khí, thép, vật liệu xây dựng,… triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường. Qua đó giải phóng năng lực sản xuất, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng hơn nữa mức tăng trưởng bởi đây là ngành chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, nhận định tình hình thế giới đang có nhiều dấu hiệu tích cực, cùng với đó là các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của Nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại từ cuối quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng, các quý, nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong quý còn lại của năm, Sở Công thương đang tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

 Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, trong đó, nhằm nâng cao vai trò, vị thế, sức cạnh tranh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bình Dương tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=843
Quay lên trên