Nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, bức tranh kinh tế của tỉnh tiếp tục có thêm nhiều gam màu sáng. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát triển, tạo “lực kéo” cho tăng trưởng chung của tỉnh nhà.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đức Thành (TX.Tân Uyên)
Tiền đề vững chắc
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong tình hình dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn để sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất, tuy nhiên chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 (IIP) ước tăng 4,5% so cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,8% so với cùng kỳ. Không chỉ giá trị tăng cao, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tất cả tạo tiền đề vững chắc để kinh tế phát triển giai đoạn “hậu Covid-19”.
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết cùng với các chỉ số công nghiệp phát triển, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Hầu hết, các mặt hàng xuất khẩu vẫn giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại, hạt điều, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ gỗ và sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may... Trong năm, 2021 hàng hóa Bình Dương xuất khẩu chủ yếu vẫn ở các thị trường truyền thống: Mỹ chiếm 34,6%; Hàn Quốc 11,2%; EU 9,7%; Nhật Bản 8,8%; Đài Loan 7,5%... Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ (năm 2020 tăng 8,5%). Những kết quả này sẽ khích lệ, tạo động lực phát triển cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo phân tích của các chuyên gia, Bình Dương hồi phục tốt sau thời gian cao điểm dịch bệnh là nhờ chuyển động nhanh, thích ứng linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”. Ngay trong tháng 7-2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, tỉnh đã nâng cao chất lượng điều hành, tổ chức đối thoại, hình thành Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ DN để tư vấn hiệu quả nhất, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.
Kỳ vọng tăng trưởng cao
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình thực tế. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đồng thời, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị ở cơ sở. Các khu cụm công nghiệp có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với tỉnh khắc phục hậu quả, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn mới, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Tổ chức nắm bắt xu hướng sản xuất, kinh doanh năm 2022 tại các hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn tỉnh. Tất cả với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 8,9% so cùng kỳ.
Trước những khó khăn đặt ra, bằng các giải pháp linh hoạt của tỉnh, nỗ lực của cộng đồng DN, lĩnh vực công nghiệp đã tăng trưởng cao trở lại. Cùng với đó, xuất nhập khẩu cũng đạt mức tăng cao tương ứng, các ngành dịch vụ dần ổn định... Các DN dốc lực để bù đắp các đơn hàng gián đoạn, đồng thời linh hoạt ứng phó, hóa giải khó khăn để bắt nhịp phát triển. |
TIỂU MY