Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn  

Cập nhật: 23-07-2024 | 13:38:13

(BDO) Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục đà phục hồi từ quý I và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý II-2024. 

Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,63% so cùng kỳ (6 tháng năm 2023 tăng 2,65%). Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,88% so cùng kỳ (cùng kỳ 6 tháng năm 2023 giảm 2,22%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,42% so cùng kỳ (cùng kỳ 6 tháng năm 2023 tăng 2,80%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,73% (cùng kỳ 6 tháng năm 2023 tăng 4,55%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,55% (cùng kỳ 6 tháng năm 2023 tăng 2,18%).

Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,31%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,66%; ngành dệt tăng 14,15% so với cùng kỳ; sản xuất trang phục tăng 4,16%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,63%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,16%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,59%.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 cũng tăng trưởng cao, đạt 16 tỷ 299 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực cũng đạt mức tăng trưởng cao, như: gỗ và sản phẩm gỗ (là sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 18,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) đạt 3 tỷ 20 triệu USD, tăng 23,2%; hàng dệt, may (là sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn hai, chiếm tỷ trọng 8,5%) đạt 1 tỷ 386 triệu USD, tăng 2,4%; sắt thép các loại (chiếm tỷ trọng 6,9%) đạt 1 tỷ 122 triệu USD, tăng 18,8%; giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 5,4%) đạt 879 triệu USD, tăng 7,6%...


Sở Công thương tỉnh Bình Dương làm việc với các hiệp hội ngành, hàng để nắm tình hình sản xuất kinh doanh

Theo nhận định của các doanh nghiệp, hiệp hội, 6 tháng đầu năm 2024 đến nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu có tín hiệu khả quan, các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu (trừ ngành gốm sứ và sơn mài – điêu khắc, đơn hàng xuất khẩu giảm); nguồn lao động ổn định, không còn khan hiếm như các năm trước cũng là một thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm tích cực, các doanh nghiệp cho rằng, sản xuất công nghiệp 6 tháng còn một số khó khăn. Cụ thể:

- Thị trường quốc tế vẫn còn biến động như thách thức mới từ “hàng rào kỹ thuật” của các nước nhập khẩu, xung đột địa chính trị tại một số nước trên thế giới gia tăng và cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh ngày càng gay gắt, giảm giá đơn hàng cho các doanh nghiệp từ 10% - 25% so với năm 2023, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và doanh thu của doanh nghiệp.

- Yêu cầu ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Netzero ngày càng tăng; sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ trở nên đắt đỏ và sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường.

- Các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ, Canada…

- Việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn: doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2023 giảm so với năm 2022; hạn mức tín dụng bị giảm do tài sản đảm bảo bằng bất động sản giảm giá; hầu như tất cả các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo chứ không cho vay tín chấp theo dự án, hợp đồng sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn các khoản vay cũ (năm 2022, 2023) vẫn còn cao, cao hơn rất nhiều so với các khoản vay mới.

Trên cơ sở những khó khăn và vướng mắc, các hiệp hội ngành hàng có các kiến nghị để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm như sau:

- Mặc dù đã có đơn hàng xuất khẩu nhưng do doanh nghiệp vẫn còn tồn kho nhiều nên dòng tiền bị đóng băng, doanh nghiệp không đủ tiền để trả các khoản vay đến hạn. Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, có chính sách cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ để thêm thời gian thanh toán các khoản vay và duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua thời kỳ khó khăn và cũng không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.

- Kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất phù hợp với mặt bằng lãi suất hiện nay, đối với các khoản vay trung hạn đã vay trước đó (năm 2022, 2023).

- Kiến nghị Ngân hàng nhà nước, các quỹ tín dụng hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ.

- Về Bảo hiểm xã hội (BHXH): Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2023, thu nhập của người lao động cũng bị giảm theo nên rất nhiều lao động xin nghỉ để rút tiền BHXH một lần, ảnh hưởng đến nguồn lao động của doanh nghiệp và gây khó khăn cho quỹ BHXH. Hiệp hội Dệt may kiến nghị BHXH và Ngân hàng chính sách XH tỉnh có thể phối hợp cùng doanh nghiệp tìm ra phương án hỗ trợ cho người lao động vay dựa trên giá trị sổ BHXH, để ràng buộc người lao động có trách nhiệm với khoản vay; nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp ổn định sản xuất cũng như cơ quan BHXH không phải chi trả ồ ạt số lượng lớn người lao động rút tiền BHXH một lần như hiện nay.

- Về môi trường và PCCC: hiện nay, quy định về môi trường và PCCC rất nghiêm ngặt và khắt khe, doanh nghiệp cần nhiều chi phí để đầu tư phù hợp với quy định để tiếp tục hoạt động. Đối với các doanh nghiệp nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam, rất băn khoăn về việc đầu tư chi phí để đáp ứng yêu cầu về môi trường và PCCC tại vị trí sản xuất hiện tại. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành có chính sách gia hạn hoặc có phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam.

- Về giấy phép môi trường: đối với các doanh nghiệp đã được thẩm duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường) nhưng chưa có giấy báo cáo hoàn thành ĐTM; tuy nhiên trong suốt thời gian hoạt động doanh nghiệp vẫn thực hiện báo cáo quan trắc hằng quý đạt yêu cầu. 

Với quy định mới về giấy phép môi trường thời hạn hoàn thành trước tháng 1-2025, các doanh nghiệp đang gấp rút tiến hành làm, và có rất nhiều doanh nghiệp không có giấy báo cáo hoàn thành ĐTM sau khi được thẩm duyệt ĐTM bị áp mức phạt trên 300 triệu đồng/doanh nghiệp. Với tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội Dệt may kiến nghị cơ quan xem xét miễn, giảm mức phạt do thiếu báo cáo hoàn thành ĐTM trong thời gian trước, để doanh nghiệp tập trung đầu tư chi phí hoàn thiện giấy phép môi trường theo quy định. 

- Về thuế: Kiến nghị xem xét giải quyết về thủ tục hoàn thuế của doanh nghiệp như thuế GTGT, thuế nhập khẩu của loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ, nhằm giảm ứ đọng vốn cho doanh nghiệp.

- Về thương mại điện tử, chuyển đổi số: Chi phí chuyển đổi số cho doanh nghiệp cao, khó khăn cho việc đầu tư chuyển đổi số; kiến nghị, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

- Về xúc tiến thương mại – khuyến công: Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Tăng cường xúc tiến thương mại đến các thị trường truyền thống như: Châu Âu, Hoa kỳ và mở rộng các thị trường mới: Ấn Độ và Trung Đông. Tổ chức các chương trình hội chợ trong nước để giải quyết tình trạng hàng tồn kho và hướng đến thị trường tiêu thụ nội địa; hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đại Dương – P.QLCN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=178
Quay lên trên