Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, vượt lên khó khăn, Bình Dương chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới và tận dụng tốt cơ hội, ngành công nghiệp tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành các đơn hàng bị đình trệ do dịch bệnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam
Tín hiệu khả quan
Năm 2021, kinh tế chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả đột phá, tăng trưởng ấn tượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 (IIP) tăng 4,5% so cùng kỳ. Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành bước vào năm 2022 với những kỳ vọng lớn hơn.
Những ngày đầu năm mới 2022 mở ra nhiều tín hiệu lạc quan, các doanh nghiệp tiếp tục chung tay cùng địa phương phòng, chống dịch bệnh, đồng thời có hướng đi riêng để nỗ lực vượt khó, hoàn thành các mục tiêu phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam, tình hình sản xuất đã khởi sắc nhanh chóng, đặc biệt là người lao động đã trở lại làm việc với tỷ lệ rất cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp công ty phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Để phát triển lâu dài và bền vững, công ty tiếp tục chú trọng đến vấn đề đổi mới công nghệ, áp dụng những phương pháp sản xuất, máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm. Song song đó, công ty tiếp tục nỗ lực chăm lo đời sống cho người lao động, yên tâm sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Lương nói.
Để ổn định sản xuất, hiện thực hóa mục tiêu phát triển trong năm 2022, các doanh nghiệp cũng đang tìm mọi phương án để “hóa giải” khó khăn. Bà Hồ Huỳnh Thanh Thảo, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH DADL (Khu công nghiệp VSIP II), cho biết công ty đang tăng cường tuyển dụng, đặt mục tiêu phục hồi 100% công suất hoạt động vào quý I-2022. Công ty cũng mời gọi những lao động đã về quê trở lại doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ tiền đi đường cùng các chi phí khác.
Đồng bộ các giải pháp
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết ngay khi có dịch bệnh, bên cạnh việc thành lập các tiểu ban phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, phân công thành viên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nắm tình hình, có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch về khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới” và triển khai thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tổ chức đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội ngành hàng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Bình Dương đang xem xét nghiên cứu để triển khai nhân rộng những ý tưởng, đề xuất của các chuyên gia trong, ngoài nước. Trên cơ sở đó sẽ có những chính sách đặc thù của địa phương để góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy phục hồi, phát triển ổn định trong tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2022, ngành công thương sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128. Bên cạnh đó, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng, hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất.
Ngành công thương cũng phối hợp, kiến nghị với các cấp từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn các nhóm ngành phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
TIỂU MY