Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực

Cập nhật: 15-09-2022 | 08:15:11

UBND tỉnh đánh giá, hoạt động kinh tế đang sôi động trở lại, với những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. “Bức tranh” sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang dần sáng hơn, hứa hẹn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đồng hành cùng DN, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách, tỉnh đang tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN phục hồi và phát triển.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh, huyện Phú Giáo

 Nhiều kết quả tích cực

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ ngày 16-8 đến ngày 31-8-2022, toàn tỉnh đã thu hút được 291 DN đăng ký kinh doanh mới, với tổng số vốn hơn 1.733 tỷ đồng và 73 DN điều chỉnh vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 1.153 tỷ đồng. Trong kỳ, số DN thành lập mới tăng 809,4%, vốn đăng ký thành lập tăng 875,4% so với cùng kỳ. Số DN đăng ký tăng vốn tăng 508,3%, mức tăng vốn tăng 40% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút được 4.627 DN đăng ký kinh doanh mới, tăng 23,1% so với cùng kỳ, với tổng số vốn là gần 29.768 tỷ đồng, tăng 7,4% và 1.104 DN điều chỉnh vốn, tăng 44,9% so với cùng kỳ với số vốn điều chỉnh là 39.642 tỷ đồng, tăng 4,2%.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, số DN thành lập mới, trở lại hoạt động tăng đáng kể cho thấy DN đã phục hồi tích cực, nhưng số giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Nhiều điểm yếu chưa được khắc phục khi đa số DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Sự hỗ trợ của tỉnh đối với DN trong nước được thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực. Vào đầu tháng 8, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ với các hiệp hội và DN đầu tư trong nước để lắng nghe tháo gỡ những vướng mắc cho DN sau đại dịch Covid-19. Mới đây, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số thông qua việc hướng dẫn chuyển đổi số phù hợp với mô hình từng DN…

Sát cánh cùng DN

Có thể thấy, hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN tại tỉnh đang diễn ra một cách rõ nét. Song, yêu cầu đặt ra vẫn là chủ động hỗ trợ, kề vai, sát cánh cùng DN một cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Bình Dương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ DN tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt; mạnh dạn chuyển đổi số, nhanh chóng ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, ký kết được các đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Vấn đề DN quan tâm nhất hiện nay là được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp; hỗ trợ về chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động; thuê đất làm nhà xưởng với diện tích và giá thành hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh… Các hiệp hội cũng phản ánh, thời gian qua giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá cả tất cả các mặt hàng tăng theo, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của DN. Trong khi để duy trì sản xuất DN cần vốn thì khó vay được từ ngân hàng.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thể hiện mong muốn Trung ương và tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ cho DN; đồng thời, có giải pháp bình ổn giá cả nguyên vật liệu, giá cước vận chuyển để giúp DN ổn định sản xuất. Thời gian qua giá nguyên liệu sản xuất, giá cước vận chuyển đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu cũng giảm hẳn. Trong khi đó các DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Thực tế, vẫn còn những chính sách hỗ trợ DN đã ban hành nhưng chậm triển khai, số DN được thụ hưởng không nhiều. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần thực thi nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp DN nắm bắt kịp thời cơ hội và mở rộng thị trường. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công khi DN thụ hưởng chính sách trực tiếp và cụ thể. Ngược lại, chính sách được xây dựng mà khó thực thi, không tác động tốt đến DN, còn có thể gây mất niềm tin. Để kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần DN, các cấp, các ngành cần thường xuyên đối thoại với DN để thúc đẩy thực thi hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ.

 Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, DN, các nhà đầu tư. Năm 2022, tỉnh phấn đấu số lượng DN đăng ký thành lập mới đạt trên 6.500 DN; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho DN và người dân. Cùng với đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=586
Quay lên trên