Sản xuất - kinh doanh trong thời buổi khó khăn: Thay đổi để vượt khó

Cập nhật: 03-06-2011 | 00:00:00

Đối mặt với lạm phát tăng cao, mọi chi phí đầu vào như điện, nước, nhân công, nguyên vật liệu tăng, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, có doanh nghiệp (DN) đã phải thu hẹp hoặc ngưng sản xuất. Tuy nhiên, có không ít DN biết vượt khó, tìm cho mình những cách thức kinh doanh mới, cơ hội mới, tiếp tục khẳng định giá trị DN trong hoàn cảnh khó khăn chung.

Lửa thử vàng

Có quá nhiều khó khăn mà các DN hiện nay đang phải đối mặt khi lạm phát tăng cao, khiến mọi chi phí đầu vào tăng đột biến, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao trong khi người dân thắt chặt chi tiêu, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, DN còn phải đối mặt với tình hình thiếu vốn sản xuất - kinh doanh không bảo đảm trả lãi vay vốn ngân hàng...

  Khách hàng tham quan sản phẩm gốm sứ cao ấp Minh Long I

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I chia sẻ, nếu như giá gas trong năm 2010 bình quân khoảng 800 USD/tấn, thời điểm hiện nay đã lên tới 1.300 USD/tấn. Cao lanh trong năm 2010 giá 200 USD, nay tăng lên 300 USD/tấn; các dòng nguyên liệu khác cũng tăng từ 30 - 50%. Khó khăn tiếp theo đó là nguồn nhân lực. Do lạm phát cao, đời sống công nhân khó khăn, nên họ phải tìm đến các DN có mức lương cao hơn. Do vậy, DN muốn giữ vững được nguồn lao động buộc phải thực hiện tăng lương cho công nhân... Điều này đã khiến chi phí đầu vào của DN tăng rất cao, đẩy giá sản phẩm lên trong khi lạm phát tăng, sức mua trên thị trường giảm xuống, DN đang rất lao đao.

Còn ông Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tất cả các DN chính là lãi suất cao. “Lãi suất ngân hàng hiện đã lên trên 20%. Đây là một bài toán hết sức nan giải. DN hoạt động sản xuất - kinh doanh phải làm sao để bảo đảm có lãi để trả lãi suất vay ngân hàng?”. Trong bối cảnh khó khăn đó, DN được ví giống như vàng đang được mang ra thử lửa. Nếu là vàng thật thì mới có thể sáng lên.

Gian nan thử sức

Để đối phó với các khó khăn, DN đã làm gì và làm như thế nào? “...Trước mắt là tiết kiệm. THP thực hiện các chương trình tiết kiệm

chi phí đầu vào, điện, nước, văn phòng phẩm, những chi phí không cần thiết cũng sẽ được cắt giảm; phát động phong trào mỗi bộ phận, phòng ban thi đua thực hiện tiết kiệm như “điện, nước là hơi thở”... đã giúp THP tiết kiệm trên 300 tỷ đồng trong thời gian vừa qua...”, ông Trần Quý Thanh cho biết. Bên cạnh đó, THP cũng ưu tiên đầu tư các dự án nhằm hướng đến phục vụ khách hàng bằng giá thành sản phẩm hợp lý nhất nhằm giữ vững, bảo vệ thị phần vì lạm phát cao cũng làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng.

Với Công ty TNHH Minh Long I, ông Lý Ngọc Minh lại có cách làm khác để đối phó với tình hình. Cụ thể, ngay từ khi nền kinh tế gặp khó khăn, thiếu vốn, Minh Long I đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để vượt qua khó khăn bằng nguồn vốn tri thức chứ không phải vốn tài chính. Ông Minh cho biết, trước tiên Minh Long thực hiện việc đầu tư thiết kế mẫu mã cho các dòng sản phẩm mới vì việc đầu tư như thế mang lại hiệu quả rất cao. Khi thiết kế các mẫu mã sản phẩm mới, tinh xảo, bắt mắt, đưa ra thị trường, dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận, tiêu thụ sẽ nhanh hơn. Trên cơ sở mẫu mã mới, tiếp tục làm cho sản phẩm thêm các giá trị mới, sẽ làm hiệu quả đầu tư cao hơn, trong khi không phải sử dụng quá nhiều vốn cho sản  xuất, sẽ làm giảm áp lực buộc phải đi vay để đầu tư. “...Nếu làm được như vậy, DN sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi khó khăn về lãi suất cao. Mặt khác đầu tư vào trang thiết bị để làm sản phẩm mới, DN sẽ phải cần đến một nguồn vốn lớn, phải đi vay ngân hàng nhưng đầu tư vào thiết kế mẫu mã, vẫn trang thiết bị sẵn có, DN hoàn toàn có thể đưa ra các sản phẩm mới, do đó sẽ mang lại hiệu quả hơn”, ông Minh phân tích.

Ngoài ra, đối với giá nguyên liệu đầu vào đang tăng lên, Minh Long I đã thực hiện tiết giảm các nguyên liệu như gas, điện, nước... Trước đây, các nguyên liệu được sử dụng khá thoải mái, không nghĩ đến tiết kiệm thì nay DN buộc phải tiết kiệm lại. Đơn cử như với các nguyên liệu phế thải, trước đây DN không tận dụng mà thường đưa đi xử lý, tiêu hủy. Nay, những nguyên liệu thải sẽ được tận dụng lại tùy theo tính chất sản phẩm. Việc làm này, DN vừa tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, vừa bớt chi phí khi phải xử lý để thải ra môi trường... Trước đây một sản phẩm sản xuất trong 5 ngày thì nay rút ngắn lại, còn 1 ngày. Với những cách làm nhằm đối phó với những khó khăn, ông Lý Ngọc Minh cho biết, năm 2011, Minh Long I vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định 20 - 30% như trong năm 2010.

Ví như đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt há hơn ai? Trong khó khăn bao giờ cũng có những cơ hội đi kèm. Nếu như công việc kinh doanh luôn thuận lợi, DN đâu cần phải trăn trở, động não để tìm ra những cách thức kinh doanh tối ưu. Do đó, trong khó khăn thì DN cũng cần xem đó là một cơ hội nhìn lại những hoạt động sản xuất - kinh doanh có còn phù hợp không. Nếu không còn phù hợp thì phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh đó, DN nào tận dụng được cơ hội để thay đổi mình, sẽ có những thành công mới.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên