Sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững

Cập nhật: 08-11-2013 | 00:00:00

Bài cuối: Chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt theo hướng VietGAP

> Bài 1: Cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý

> Bài 2: Chủ động sản xuất trước biến đổi khí hậu

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), an toàn chính là hướng đi cần thiết của nông nghiệp Bình Dương. Sản xuất theo hướng này vừa hạn chế dịch bệnh, vừa bảo đảm yếu tố môi trường và tăng hiệu quả.

Chăn nuôi công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, xây dựng các mô hình nông nghiệp an toàn đã được nhiều nông dân Bình Dương thực hiện. Sản xuất nông nghiệp CNC giúp nông dân chủ động trong việc phòng chống với các loại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trị bệnh cho vật nuôi, góp phần tăng hiệu quả sản xuất. Trong chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi cần thiết để bảo đảm yếu tố môi trường. Với người chăn nuôi, việc bảo đảm yếu tố môi trường trong và ngoài khu chăn nuôi đồng nghĩa với việc có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, từ đó bảo đảm lợi nhuận chăn nuôi. Ngành chăn nuôi Bình Dương trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó chăn nuôi tập trung giữ vai trò chủ đạo, khẳng định ưu thế và mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Cán bộ Trạm BVTV huyện Tân Uyên trao đổi kỹ thuật làm lúa VietGAP với nông dân xã Bạch Đằng

Thời gian qua, các mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ không bảo đảm yếu tố môi trường, không an toàn dịch bệnh đã dần dần được hạn chế và phát triển theo hướng tập trung, CNC. Tại Bình Dương, 2 đối tượng vật nuôi chủ yếu là heo và gà. Tổng đàn heo, gà của Bình Dương hàng năm đều tăng mạnh. Tính đến giữa năm 2013, Bình Dương có trên 500.000 con heo và trên 3,5 triệu con gia cầm. Trên địa bàn tỉnh có 404 trang trại chăn nuôi heo và 333 trang trại chăn nuôi gà. Toàn tỉnh có trên 4.400 hộ nuôi heo và gần 30.000 hộ nuôi gia cầm nhỏ, lẻ. Với việc lĩnh vực chăn nuôi đang phát triển nhanh, vấn đề bảo đảm yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài các trại là hết sức cần thiết để không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có nhiều hộ dân sống gần các trại chăn nuôi không bảo đảm yếu tố môi trường đã phàn nàn rất nhiều về mùi hôi và nước thải từ các trại heo.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi Bình Dương, có thể thấy chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) chính là hướng đi cần thiết nhằm hạn chế một cách có hiệu quả sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm môi trường chăn nuôi, môi trường sống và qua đó lợi ích kinh tế của người chăn nuôi được ổn định. Có thể hiểu rằng chăn nuôi ATSH là phương thức chăn nuôi áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý, ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi với mầm bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn với sức khỏe cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho rằng, với các trang trại chăn nuôi lớn, có mức đầu tư ban đầu cao, vấn đề bảo đảm yếu tố môi trường gắn liền với lợi ích kinh tế nên các chủ trang trại rất chú ý đến vấn đề này. Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi heo với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh đã chú ý nhiều đến việc xử lý môi trường chăn nuôi như sử dụng hệ thống Biogas, áp dụng phương pháp ủ phân. Môi trường chăn nuôi không bảo đảm sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đàn vật nuôi, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như gây tác hại đến môi trường xung quanh. Ông Trần Thành Có, chủ trang trại nuôi gà CNC tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên cho biết, chăn nuôi CNC đòi hỏi người chăn nuôi phải bỏ ra chi phí ban đầu lớn và phải có quỹ đất. Tuy nhiên bù lại, môi trường chăn nuôi được bảo đảm, đàn vật nuôi sẽ an toàn với các loại dịch bệnh, chủ trang trại sẽ không tốn nhiều tiền mua các loại thuốc về chích cho vật nuôi, vì vậy chi phí sản xuất sẽ giảm xuống đáng kể, sản phẩm làm ra có chất lượng cao, từ đó thu nhập của chủ trang trại cũng sẽ được nâng lên.

Mô hình nuôi gà công nghệ cao của ông Trần Thành Có, xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên 

Khả quan với VietGAP

Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất theo hướng VietGAP được xem là hướng đi cần thiết và thực tế các mô hình trồng bưởi theo hướng VietGAP đã phát huy hiệu quả cao. Một trong những loại cây trồng đang được nông dân áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP là cây bưởi. Ông Ngô Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên cho biết, hiện nay xã Bạch Đằng có khoảng 400 ha trồng bưởi với khoảng 300 hộ dân và có 5 hộ trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ngay vụ sản xuất đầu tiên (đầu năm 2011). Nông dân sản xuất bưởi theo mô hình này sẽ học được cách sản xuất theo quy trình bưởi sạch. Tuy nhiên, số hộ dân sản xuất bưởi theo hướng VietGAP trên địa bàn xã còn thấp, trong khi đó, đây là mô hình sản xuất có hiệu quả cao. Vì thế, nhân rộng mô hình này nhằm giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất của cây bưởi, tăng thu nhập cho gia đình là việc làm cần thiết. Ngoài cây bưởi, các hộ dân trồng lúa tại Bạch Đằng cũng sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích khoảng 20 ha. Anh Dương Văn Hưng, nông dân trồng lúa VietGAP tại ấp Chánh Hưng chia sẻ, trước đây khi sản xuất lúa thông thường, các hộ dân thường bón phân không hợp lý, bón phân nhiều thấy cây lúa càng xanh thì cho rằng càng tốt. “Tuy nhiên, khi tham gia vào VietGAP, chúng tôi mới thấy rằng nếu bón quá nhiều phân đạm, cây lúa càng xanh thì càng có nhiều sâu hại. Khi đó lại phải tăng cường thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây lúa, vì vậy tốn thêm chi phí sản xuất” - anh Hưng cho biết. Làm lúa VietGAP không khó nếu được tập huấn kỹ càng, không những hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật đáng kể, an toàn với sức khỏe, bảo vệ được môi trường mà năng suất lúa cũng tăng lên. Ông Ngô Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng cho biết: “Khi được tham gia làm lúa VietGAP bà con ai cũng rất phấn khởi. Cái được nhất của việc làm VietGAP theo tôi là tư duy sản xuất của bà con trồng lúa đã có nhiều thay đổi. Trước đây, bà con tự trồng lúa theo cách nghĩ của mình nhưng khi làm VietGAP phải sản xuất theo quy trình, đồng loạt mới đạt hiệu quả cao. Giờ đây, các hộ dân trồng lúa VietGAP tại Bạch Đằng đã rất thuần thục trong việc áp dụng các quy trình kỹ thuật”.

Nông nghiệp CNC, chăn nuôi ATSH và làm VietGAP trong trồng trọt đã được nhiều nông dân Bình Dương lựa chọn. Nông dân Bình Dương rất có ý thức trong việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yếu tố môi trường. Chính vì vậy, các mô hình nông nghiệp CNC, chăn nuôi ATSH và làm VietGAP cần tiếp tục được nhân rộng để dần dần nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân; từ đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp Bình Dương theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn, bền vững và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên