Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu.
Mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ của hộ nông dân Châu Văn Lợi (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) cho giá trị kinh tế cao
Hiệu quả
Dựa trên nền tảng thiên nhiên ưu đãi từ diện tích đất phù sa, đất đỏ vàng và đất xám, tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển nông nghiệp xanh, tạo hướng đi bền vững. Mô hình trước tiên về nông nghiệp xanh mà Bình Dương áp dụng đại trà là NNHC. Mô hình này được phát triển mạnh trên diện tích đất phù sa mà Bình Dương hiện có ở khu vực bãi đồi dọc theo dòng sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Đây là một nền nông nghiệp không sử dụng các loại phân bón, hóa chất có hại cho sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay đa phần các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã đã từng bước thay đổi phương thức canh tác lớn, gần như trở lại với các phương thức truyền thống như ủ phân xanh, canh tác luân canh, tận dụng các phế phẩm từ chăn nuôi để tạo nguồn phân hữu cơ, phân vi xanh, loại bỏ các yếu tố nhân tạo kết hợp với kỹ thuật công nghệ hiện đại giúp đất đai màu mỡ tạo nên nền NNHC khép kín. Từ đó tạo ra các sản phẩm nông sản sạch với tiêu chuẩn giá trị an toàn, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về độ an toàn của thực phẩm.
Ông Châu Văn Lợi, nông dân ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết sản phẩm được tạo ra từ sản xuất ứng dụng NNHC sẽ mang lại giá trị lớn, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và người sản xuất. Ban đầu ông trồng 2 ha bưởi thử nghiệm NNHC, nhận thấy hiệu quả mang lại cao nên gia đình ông tiếp tục nhân rộng, đến nay đã được 5 ha trồng bưởi theo hướng hữu cơ.
Công ty Cổ phần Vinamit là doanh nghiệp chế biến tiên phong đầu tư trang trại quy mô lớn sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu (EU)... Công ty có tổng diện tích lên đến hơn 150 ha, với hơn 54 giống cây trồng, đã đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic hữu cơ EU. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho biết làm phân bón hữu cơ cũng giống như NPK, nhưng không phải đến từ phân hóa học mà đến từ chế phẩm sinh học. Bởi, trước nhất vì là sức khỏe của chính bản thân của người sản xuất và những người thân trong gia đình của mình. Mặt khác, với canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém, sản phẩm hữu cơ chưa thể có giá rẻ và bán đại trà.
Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong trồng trọt các loại cây có múi và áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, ông Đoàn Minh Chiến (chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, huyện Bắc Tân Uyên) cũng đã áp dụng sản xuất NNHC. Ông Đoàn Minh Chiến chia sẻ thực hiện việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, trang trại mạnh dạn áp dụng các quy chuẩn sản xuất NNHC vào cam, bưởi. Sản xuất NNHC đòi hỏi phương pháp canh tác kỹ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn, trang trại từng bước áp dụng công nghệ mới trong sản xuất NNHC vào các sản phẩm chủ lực.
Hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Sản xuất nông nghiệp xanh, kết hợp những công nghệ phù hợp cho từng vùng sinh thái, hài hòa với môi trường, Bình Dương chú trọng phát triển ở khu vực có diện tích đất xám được phân bố ở hầu hết địa bàn huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một. Đồng thời mở rộng thực hiện ở khu vực phân bố diện tích đất vàng chủ yếu ở các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, TX.Tân Uyên theo hình thức nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.763,5 ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172 ha. Trong đó có khoảng 600 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây có múi, rau, cây ăn quả khác...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay hầu hết các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản. Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất cũng là lựa chọn thay thế hàng đầu cho phân hóa học khi cho hiệu quả cao hơn, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phân bón hữu cơ vi sinh chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, không làm bạc màu đất. Ngoài ra, phân bón hữu cơ vi sinh còn cung cấp gần như đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch của cây trồng, giúp năng suất tăng thêm 20% so với khi sử dụng phân bón vô cơ.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, đa dạng sinh học, NNHC và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC