Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được coi là phương thức sản xuất tối ưu, mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá ở phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát
Nâng tầm nông sản
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, xuất khẩu, giải được “bài toán” đầu ra cho nông sản hiện nay.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực, như cam, bưởi, chuối, sầu riêng… Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) là một trong những đơn vị phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng VietGAP. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc hợp tác xã cho biết so với sản xuất truyền thống, việc canh tác theo quy trình nghiêm ngặt trong nhà màng đã tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao. Do đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích… Tuy nhiên, khi người dân chưa mấy quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm sạch là cả một thách thức lớn, bởi chi phí sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch cao gấp nhiều lần sản phẩm thông thường. Sản phẩm trồng ngoài nhà màng thường mẫu mã không được bắt mắt nên khó khăn về đầu ra nhưng với tiêu chí đặt ra ban đầu, hợp tác xã sẽ không vì lợi nhuận mà bỏ quên mục tiêu là đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm sạch, chất lượng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển NNHC làmột trong những nhiệm vụtrọng tâm của ngành nông nghiệp Bình Dương. Hiện nay, nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp công nghệ cao theo hướng VietGAP.
Đồng hành từ nhiều phía
UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu hiện; khoảng 2% diện tích trồng cây ăn trái và cây rau chủ lực ở các vùng sản xuất tập trung bảo đảm theo hướng nông nghiệp hữu cơ; tăng thêm 1% diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ; sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1% trên tổng sản lượng sản xuất của tỉnh.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để đạt mục tiêu đề ra rất cần sự chung tay, đồng hành của người sản xuất, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và sự chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, các đơn vị chuyên ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tiễn, vùng sản xuất để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hữu cơ hàng năm phù hợp; chú ý tính khả thi khi triển khai thực hiện như đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, lựa chọn đối tượng tham gia mô hình… Đặc biệt là các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch hữu cơ riêng cho địa phương mình, bởi hiện nay chỉ có 3/9 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch.
Đồng thời, các huyện, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, cán bộ quản lý các cấp về sản sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức. Công tác tuyên truyền cần đa dạng về nội dung, phong phú về chủ đề bảo đảm hiệu quả tuyên truyền.
Về phía người sản xuất, cần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất thông thường, áp dụng và chuyển đổi quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu nông sản Bình Dương. Ngoài ra, người sản xuất cần tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện có như chính sách VietGAP, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, chính sách về nông nghiệp hữu cơ.
THOẠI PHƯƠNG