Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap: Nhiều nông dân vẫn rất mặn với “tình ca cây lúa”…

Cập nhật: 02-11-2013 | 00:00:00

Tuy không phải là cây trồng chủ lực và diện tích sản xuất đã thu hẹp nhưng nhiều nông dân Bình Dương vẫn rất mặn mà với cây lúa. Để tiến lên sản xuất hiện đại theo các cây trồng khác, nhiều nông dân đã được hỗ trợ xây dựng cánh đồng lúa theo hướng VietGAP.

Diện tích trồng lúa của Bình Dương trong vài năm gần đây đang thu hẹp dần để “nhường” đất phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, một phần diện tích trồng lúa của Bình Dương do không đạt năng suất cao nên đã chuyển dần sang các loại cây trồng khác. Các địa phương trồng lúa nhiều nhất của Bình Dương hiện nay có thể kể đến là các xã Thanh An, Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) và Thường Tân, Tân Mỹ, Lạc An, Bạch Đằng (huyện Tân Uyên). Hiện tại, diện tích lúa gieo sạ của Bình Dương khoảng 3.000 ha.

Cán bộ Trạm BVTV huyện Tân Uyên cùng nông dân thảo luận về cách làm lúa VietGAP tại xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên

Nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng trên diện tích còn lại, các mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã hình thành và bước đầu cho những kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến nay đã có 9 mô hình sản xuất lúa VietGAP được triển khai với 138 hộ nông dân tham gia. Các giống lúa xác nhận như OM 6976, OM 4900, OM 4551, OM 8017 đã được nhiều nông dân lựa chọn. Sản xuất lúa VietGAP được sạ từ 100 - 120kg/ ha, giảm bình quân 30 - 60 kg/ ha; giảm lượng phân đạm từ 35 - 45kg/ha; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, công phun xịt 2 - 4 lần; giá lúa tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg so với ruộng ngoài mô hình VietGap. Năng suất bình quân 5,2 tấn/ha, tăng bình quân từ 700 - 800 kg/ha.

Vụ mùa năm 2012, xã Lạc An được hỗ trợ thực hiện sản xuất lúa theo hướng VietGAP với diện tích 20 ha. Các hộ dân khi tham gia vào chương trình được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trước khi xuống giống các hộ dân được trạm bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật rất kỹ càng để thực hiện các khâu như xử lý hạt giống, làm đất, trừ ốc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Anh Hà Đức Ái, hộ dân trồng lúa VietGAP tại đây, cho biết: “Trước đây, với tập quán sản xuất cũ, nông dân xã Lạc An chúng tôi thường sử dụng 130 - 150kg giống cho 1 ha. Do giống tự lựa chọn nên mọc không đều, khi lúa phát triển thì mật độ quá dày, cây nhỏ yếu, lúc trổ thì bông cao, thấp không đều nên năng suất chỉ đạt khoảng 4,5 tấn/ha. Bên cạnh đó bà con sử dụng phân bón chưa phù hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý nên chi phí sản xuất cao mà năng suất thì đạt thấp”. Cũng theo anh Ái, khi tham gia trồng lúa theo hướng VietGAP, các hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất hợp lý hơn, năng suất đã tăng lên 6 tấn/ha, tiết kiệm gần 1 triệu đồng tiền thuốc/ vụ, ít tốn công phun xịt, bảo đảm sức khỏe và môi trường.

Anh Dương Văn Hưng, nông dân trồng lúa VietGAP tại xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên chia sẻ, trước đây khi sản xuất lúa thông thường, các hộ dân thường bón phân không hợp lý, bón phân nhiều thấy cây lúa càng xanh thì cho rằng càng tốt. Tuy nhiên, khi tham gia vào VietGAP mới thấy rằng nếu bón quá nhiều phân đạm, cây lúa càng xanh thì càng có nhiều sâu hại, phải tăng cường thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy tốn thêm chi phí sản xuất. Theo anh Hưng làm lúa VietGAp không khó nếu được tập huấn kỹ càng. Làm lúa VietGAP không những hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho sức khỏe mà năng suất lúa cũng tăng lên thấy rõ.

Những cánh đồng lúa VietGAP xanh mướt, bông lúa dài, hạt mẩy nổi bật trên vùng đất trồng lúa của xã Bạch Đằng là minh chứng sống động cho một mô hình trồng lúa hiện đại rất cần được nhân rộng. Ông Ngô Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng, cho biết: “Khi được tham gia làm lúa VietGAP bà con ai cũng rất phấn khởi. Cái được nhất của việc làm VietGAP theo tôi là tư duy sản xuất của bà con đã có nhiều thay đổi. Trước đây bà con tự trồng lúa theo cách nghĩ của mình nhưng khi làm VietGAP phải sản xuất theo quy trình, đồng loạt mới đạt hiệu quả cao. Giờ đây các hộ dân trồng lúa VietGAP tại Bạch Đằng đã rất thuần thục trong việc áp dụng các quy trình kỹ thuật”. Cũng theo ông Hải, điều ông lo lắng nhất hiện nay là các giống xác nhận nhưng độ đồng đều chưa cao, vì vậy khâu giống cần phải được chú ý hơn.

Với nhiều tỉnh trọng điểm nông nghiệp sản xuất lúa VietGAP không phải là mô hình mới, nhưng với Bình Dương đây là những mô hình rất đáng khuyến khích để tiếp tục duy trì và nhân rộng. Thành công từ cây lúa VietGAP sẽ là động lực để nông dân tại nhiều địa phương áp dụng với các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cây có múi...

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên