Sản xuất nông nghiệp theo hướng VIETGAP tại Bình Dương: “Đường lớn” đã mở…

Thứ ba, ngày 11/02/2014

 SXNN của Bình Dương trong thời gian qua đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sản xuất tập trung hàng hóa. Trong năm 2013, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất của Bình Dương đạt trên 90 triệu đồng. Với hướng phát triển như trên, việc ứng dụng VietGAP sẽ là cách thức tốt để tiếp tục nâng cao hiệu quả SXNN. Sản xuất theo hướng VietGAP không những góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng diện tích đất mà còn góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, bảo vệ môi trường.    Vườn bưởi VietGAP của ông Lê Văn Xê

Tiềm lực làm VietGAP tại Bình Dương là rất lớn do có nhiều trang trại, trong đó nhiều trang trại sản xuất theo hướng tập trung, quy trình sản xuất khép kín, hiện đại. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, việc thực hiện VietGAP tại Bình Dương trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Từ năm 2013, công tác này đã được chú trọng đẩy mạnh với việc có thêm các trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP và trong thời gian tới công tác này sẽ được tiếp tục chú trọng. Ông Lê Văn Xê, chủ Nông trang Phương Uyên (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) là người hiểu rõ nhất những lợi ích do VietGAP mang lại.

Để có được giấy chứng nhận VietGAP, ông Xê đã phải tốn nhiều thời gian, công sức đi tập huấn, học tập, làm các thủ tục cũng như xây dựng quy trình sản xuất của trang trại mình theo các quy chuẩn. Nông trang Phương Uyên của ông là một trong những trang trại đầu tiên tại Bình Dương được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ông Xê cho biết, yêu cầu của người tiêu dùng trong việc tiêu thụ nông sản ngày càng cao, vì vậy sản xuất VietGAP là hướng đi cần thiết của SXNN hiện đại.

VietGAP chính là “linh hồn” của các sản phẩm NN bởi thương hiệu thôi là chưa đủ mà cần đi vào tiêu chuẩn, quy trình. Ông Xê cho biết thêm, sản phẩm bưởi nông trang của ông đã được nhiều thị trường chấp nhận và tiêu thụ rất mạnh. Hàng năm nông trang của ông tiêu thụ từ 500 - 700 tấn bưởi và liên kết với các trang trại khác tiêu thụ khoảng 300 tấn nhưng ông vẫn cố gắng để nông trang của mình được công nhận VietGAP. Theo ông Xê, sản xuất VietGAP sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng hơn và an toàn cho người tiêu dùng. Người sản xuất thì vững niềm tin cho việc đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.

Đến thời điểm hiện nay, Bình Dương đã có 4 đơn vị được chứng nhận VietGAP là Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên); Nông trang Phương Uyên của ông Lê Văn Xê, xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên; Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến của ông Đoàn Minh Chiến, xã Tân Định, huyện Tân Uyên và Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy của bà Nguyễn Thanh Thủy, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những cá nhân, tập thể được cấp giấy chứng nhận VietGAP này có thể thấy, họ đều có nhiều tiềm lực và có thời gian dài sản xuất, kinh doanh với quy môn lớn. Việc tiếp cận với VietGAP của các trang trại nhỏ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương, cho biết bước đầu việc áp dụng VietGAP vào sản xuất tại Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn. Riêng với các trang trại lớn sản xuất theo hướng hiện đại thì hoàn toàn không khó. Các chủ trang trại này đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức sản xuất, ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP theo đúng các quy định. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân”, bà Hưng khẳng định.

Còn ông Lê Văn Xê cho rằng với những cá nhân, trang trại đã tập trung sản xuất theo hướng quy củ, khép kín thì làm VietGAp sẽ rất dễ dàng. Với những người sản xuất theo kiểu tự do, thiếu khoa học sẽ rất khó để áp dụng được quy trình này, vì vậy công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về VietGAP là rất cần thiết. Theo quan điểm của ông Xê, dù sản xuất lớn hay nhỏ, việc áp dụng VietGAP là hết sức cần thiết để hướng đến thành công.

Đường đi đến VietGAP của các trang trại tại Bình Dương đã rõ ràng hơn. Vấn đề còn lại là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các chủ trang trại, các cá nhân cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa để họ hiểu hơn về lợi ích từ VietGAP mang lại. Từ đó từng bước áp dụng VietGAP vào sản xuất để cùng chung sức đưa ngành nông nghiệp Bình Dương hướng đến những mục tiêu xa hơn.

 ĐÀ BÌNH