Sản xuất sạch hơn trong ngành trà: Bước tiến trong tư duy sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 09-12-2022 | 08:53:57

Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong sản xuất trà được hiểu là việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất công nghiệp. Doanh nghiệp (DN) bảo đảm quá trình thực hiện đúng theo quy trình nhằm mang lại nhiều lợi ích kinh tế.


Các chuyên gia khảo sát tại Công ty TNHH MTV TM-DV-SX C.V.C. (TX.Bến Cát, Bình Dương)

Tiếp cận với sản xuất bền vững

Thực tế đến nay, mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan tỏa của SXSH vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này.

Ông Trầm Văn Huệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV-SX C.V.C. (TX. Bến Cát), cho biết: “Được sự hỗ trợ của ngành công thương và nhóm chuyên gia do tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh hỗ trợ, công ty mong muốn được tư vấn để phát triển sản xuất theo hướng bền vững”. Được biết Công ty C.V.C. được phát triển từ nghề truyền thống của gia đình với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất trà túi lọc, trà atiso, trà nấm linh chi... Hoạt động của Công ty C.V.C. chuyên sản xuất và gia công trà đạt tiêu chuẩn. Đến nay, các sản phẩm của công ty được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

“Công suất hiện tại là 5 tấn sản phẩm/năm. Nguyên liệu của quá trình sản xuất gồm có khoảng 10 loại thảo mộc là linh chi, atiso, khổ qua rừng, cỏ ngọt, đinh lăng, bông cúc, nhân trần, cỏ râu mèo, hạt muồng và cam thảo. Tất cả được chia làm 2 loại nhập liệu: Tươi và nhập bán thành phẩm đã phơi khô. Nguyên liệu tươi sẽ được cho vào khay phơi nắng trong khuôn viên của công ty đạt độ ẩm khoảng 15-20%. Sau đó nguyên liệu sẽ được phân loại, dán nhãn cho vào kho lưu trữ để phục vụ quá trình sản xuất. Nguyên liệu sau khi sấy sơ bộ và phân loại sẽ được đưa vào thiết bị sấy khô đến độ ẩm 5-8% để thuận lợi cho quá trình bảo quản. Nguyên liệu được sấy bằng thiết bị sấy gián đoạn dạng khay. Mỗi mẻ sấy khoảng 10kg trong thời gian từ 30-45 phút. Thiết bị sấy của công ty là thiết bị sử dụng điện. Sau khi sấy, bán thành phẩm được cho vào thiết bị sao lồng quay được gia nhiệt bằng gas. Mỗi mẻ sao khoảng 30kg. Thời gian sao trà từ 45-90 phút/ mẻ. Trà sau khi sao được để nguội tự nhiên bằng cách cho vào khay inox, sau đó được cho vào thiết bị sàn lồng quay vận hành thủ công để phân loại thành 2 loại trà theo kích thước: Phần trên sàn là loại 1, phần lọt dưới sàn là loại 2. Các loại nguyên liệu trà sau khi sàn được cho vào thiết bị phối trộn theo tỷ lệ phù hợp để hình thành nên các sản phẩm trà túi lọc, trà atiso, trà nấm linh chi... Sản phẩm sau khi phối trộn sẽ đưa vào hệ thống định lượng đóng gói và hút chân không, sau đó sản phẩm được đóng thùng và lưu kho”, ông Thanh chia sẻ với các chuyên gia về quy trình sản xuất của công ty.

Xưởng sản xuất được triển khai trong khu vực khoảng 650m2, tọa lạc trong khuôn viên đất gia đình rộng khoảng 5.000m2. Nhà xưởng kho chứa nguyên liệu, xưởng sao, sấy 1; xưởng cắt, sàn, trộn; xưởng trà túi lọc; xưởng tinh chế và kho chứa sản phẩm. Đây là một hạng mục mà DN này muốn được tư vấn để mở rộng quy mô cho hợp lý ngay từ ban đầu.

Chuyển biến rõ nét

Theo các chuyên gia SXSH, việc đánh giá SXSH tại Công ty C.V.C. là hoạt động nhằm hỗ trợ các DN kiểm soát được đầu vào như nguyên liệu, điện, nước, lao động, công nghệ... từ đó tư vấn cho DN áp dụng các giải pháp SXSH như đổi mới thiết bị, công nghệ, quản lý việc sử dụng lao động, tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn hoặc đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường... giúp DN phát triển bền vững hơn. Các chuyên gia khẳng định SXSH có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp dù lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Đến nay, theo đánh giá ban đầu, DN có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%. “Thực tế cho thấy nếu áp dụng SXSH, DN sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Và hiện tại, không ít DN đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm nguồn lực, nguyên liệu…”, nhóm chuyên gia đánh giá cho biết.

Sau khi làm việc với nhóm chuyên gia, ông Trầm Văn Huệ cho biết đã nhận thức rõ việc đánh giá và áp dụng các giải pháp SXSH giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn, góp phần cải thiện môi trường làm việc và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Ngoài lợi ích trực tiếp tiết kiệm được trong quá trình sản xuất, DN áp dụng SXSH có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính, các khoản vay từ các cơ quan tài chính. Hiện chính sách ngày càng ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

TIỂU MY - NGÔ TRUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=612
Quay lên trên