Sản xuất sạch sẽ thành hiện thực

Cập nhật: 04-04-2012 | 00:00:00

Bình Dương là một trong các tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp (CN) cao. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 19,9%/năm, giá trị gia tăng ngành CN tăng bình quân 14,1%/năm. Song cùng với sự phát triển của CN, Bình Dương đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường (ONMT).  KCN VSIP là hình mẫu của sản xuất sạch ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung

Ngành chức năng vào cuộc

Ông Trần Văn Rạng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Chiến lược SXSH ở Bình Dương có tầm quan trọng  trong giai đoạn hiện nay. Song song với tốc độ phát triển CN nhanh, thì mức độ ONMT ngày càng gia tăng cả ở dạng rắn, lỏng và khí. Do vậy, lãnh đạo các DN, cơ sở sản xuất trong quá trình sản xuất đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Sở và các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định, chính sách SXSH trong các ngành CN, triển khai các mô hình, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý SXSH, nhằm phổ biến rộng rãi đến các tổ chức,  DN  áp dụng SXSH, lắp đặt các áp phích, khẩu hiệu ở những nơi thích hợp để tuyên truyền và nhắc nhở mọi người có ý thức trong việc SXSH. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ xây dựng chỉ thị, kế hoạch hành động và tiếp cận với các nguồn vốn để áp dụng SXSH tại các DN, các cơ sở sản xuất góp phần thực hiện mục tiêu phát triển CN bền vững gắn với BVMT”.

Ông Lê Văn Chí, Trung tâm Khuyến công - Sở Công Thương, cho biết thêm: “Để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển CN Bình Dương đã xây dựng kế hoạch chi tiết SXSH trên địa bàn phân kỳ theo từng năm gửi các sở, ngành liên quan góp ý hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới. Trước mắt, trung tâm đã trình kế hoạch SXSH thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2012, bao gồm: Tổ chức 2 lớp tập huấn nhằm tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SXSH trong CN cho khoảng 100 DN trên địa bàn, nhằm giới thiệu các bước cơ bản về SXSH, giúp các DN có thể tự nhận diện và triển khai được một số giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản, ít tốn chi phí; thiết kế, phát hành 5.000 áp phích tuyên truyền về SXSH gửi cho các DN; tổ chức cho cán bộ quản lý, cán bộ tư vấn và đại diện một số DN trong tỉnh đi tham quan, học tập ở các tỉnh có kinh nghiệm về triển khai SXSH; tiến tới xây dựng mô hình SXSH trong CN tại địa phương, sau đó khảo sát đánh giá và nhân rộng điển hình...”.

Vai trò của doanh nghiệp

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các DN phải triển khai áp dụng các giải pháp SXSH trong CN, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm góp phần đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 các cơ sở SXCN áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; tham gia đầy đủ các buổi hội thảo, tập huấn chuyên đề về SXSH trong CN do cơ quan quản lý tổ chức; tiến hành rà soát lại một số khâu có liên quan đến các giải pháp SXSH tại DN mình, tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất; bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khâu nguyên nhiên liệu đầu vào, sản phẩm, sản lượng, mức tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra; tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác; cải tiến công nghệ, thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất; lắp đặt thiết bị sản xuất có hiệu quả; thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ.

Tuy đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, nhưng vai trò quyết định trong việc biến “giấc mơ” SXSH vào hiện thực vẫn là các DN. Theo ông Trần Văn Rạng, thì Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật áp dụng SXSH trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các cơ sở SXCN nhằm thực hiện các mục tiêu môi trường và lợi ích kinh tế. SXSH trong CN được thực hiện trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT và nhận thức của các cơ sở SXCN về lợi ích được mang lại từ việc áp dụng SXSH.

Các DN làm gì để thực hiện lộ trình SXSH? Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Gạch ngói cao cấp M&C ở Tân Uyên, cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện SXSH. Trước đây, chúng tôi đốt lò bằng than đá. Do có lưu huỳnh nên phát thải khí CO2, không tốt cho môi trường. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, chúng tôi đã thay thế thành công công nghệ đốt lò nung gạch bằng trấu vừa làm trong lành môi trường, vừa tận dụng được phế phẩm của cây lúa giúp bà con nông dân có thu nhập”.

Còn ông Yawa Juri, Tổng Giám đốc Công ty Sunsteel cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất, cũng như xử lý chất thải để BVMT của công ty nói riêng và địa phương nói chung theo đúng cam kết với tỉnh Bình Dương”. Các ông Hà Huy Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty FICO; Hoàng Văn Lộc, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, đều có chung ý kiến: Thời gian gần đây, chúng tôi đã chú trọng đầu tư cho công tác BVMT trong sản xuất - kinh doanh và lưu thông sản phẩm, như trồng cây, phun nước giảm bụi khu vực mỏ, tưới đường và cả tu sửa, làm đường giao thông...

Điều đó cho thấy vai trò của DN là quyết định và với những việc làm thiết thực nói trên của DN, “giấc mơ” SXSH ở Bình Dương sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 366/QĐ-UBND ngày 15-2-2012 về việc ban hành Kế hoạch SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là có 50% cơ sở SXCN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 25% cơ sở SXCN có tiềm năng áp dụng SXSH và những cơ sở này tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 25% cơ sở SXCN có nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý năng lượng, kiêm nhiệm về SXSH.

Bảo Anh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên