Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương xác định rõ sản xuất thông minh và tự động hóa không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòn bẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu các thiết bị, máy móc hiện đại tại Hội chợ triển lãm VIMF 2024 tổ chức tại Bình Dương vừa qua
Bắt nhịp xu thế
Dù mới đi vào hoạt động được vài năm nhưng Công ty TNHH IGB Automotive Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần III), chuyên sản xuất, cung cấp thiết bị cảm ứng và linh kiện sưởi điện cho ghế ô tô, liên tục có các đơn hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ông Trần Quý Cường, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH IGB Automotive Việt Nam, cho biết khách hàng của công ty là các nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng trên thế giới, do đó yêu cầu về sản phẩm rất khắt khe. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, công ty đã đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động hóa. Việc ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất đòi hỏi công nhân phải có kỹ thuật, kỹ năng tay nghề cao để làm chủ các công nghệ hiện đại.
Ông Trần Đỗ Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại He Vi (TP. Bến Cát), chia sẻ là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy, một lĩnh vực đang có sự cạnh tranh khá mạnh mẽ trên thị trường buộc công ty phải đổi mới liên tục. DN đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, như công nghệ thông tin kỹ thuật số, công nghệ sản xuất kỹ thuật số. Từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm đều được công ty kiểm tra bằng máy móc công nghệ hiện đại trên thế giới nhằm bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Những công nghệ này cho phép DN tự chủ sản xuất một cách độc lập mà không phụ thuộc vào đơn vị thứ ba.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang giúp các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm bớt áp lực thiếu lao động khi mở thêm các nhà máy, dây chuyền sản xuất. Đồng thời, phần lớn sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đa dạng về mẫu mã và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Riêng đối với DN vừa và nhỏ, chuyển đổi số cũng đang tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều DN đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Ứng dụng công nghệ, tạo sự bứt phá
Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam, cho biết: “Là một trong những DN sản xuất điện tử phát triển nhanh nhất tại châu Âu, chuyên sâu vào công nghệ cao, Circo có mặt tại Bình Dương đã 24 năm. Chúng tôi vừa xây dựng nhà máy thứ 4 tại Bình Dương, với diện tích 12.000m2. Việc đầu tư nhà máy thứ 4 không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam, mà còn phát triển thêm khả năng kỹ thuật của Cicor. Thời gian qua, chúng tôi chuyển giao công nghệ từ Thụy Sĩ sang Việt Nam. Khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm nên chúng tôi cũng phải tập trung cải thiện, đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, nhà máy Cicor Việt Nam đạt đến mức ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ”.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Takako Việt Nam
Theo ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I), nếu như trước đây công ty phải tốn 4 nhân công để vận hành dây chuyền sản xuất, thì từ năm 2016 đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại công ty chỉ cần 1 kỹ sư vận hành mà vẫn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp DN cải thiện được giá thành sản xuất.
Trong quá trình phát triển hiện nay, Bình Dương luôn lấy DN làm trung tâm cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngành công nghiệp của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bình Dương đang chuẩn bị chu đáo chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các DN trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý.
NGỌC THANH