Kỳ 1: Quyết sách mở đường
Từ năm 2016, Bình Dương đã triển khai đề án thành phố thông minh (TPTM) nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đã gặt hái được nhiều thành công. Trong giai đoạn mới, Bình Dương xác định tiếp tục đột phá, đưa đề án TPTM lên một nấc thang phát triển cao hơn - Vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN).
Vững tin con đường đã chọn
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tạo ra những biến số khó lường, yêu cầu chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao. Để phù hợp những yêu cầu mới, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khoa học công nghệ (KHCN), xây dựng các khu công nghiệp (KCN) thông minh, đô thị thông minh, xanh, bền vững. Tiến tới xây dựng các KCN gắn liền với KHCN, thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới, thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển cụm công nghiệp trung hòa carbon tại huyện Phú Giáo giữa Tập đoàn Gia Định (Việt Nam) và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc). Ảnh: TIỂU MY
Trong giai đoạn hiện nay, Bình Dương xác định sẽ xây dựng mới và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, dữ liệu lớn (big data) để thu hút các nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh. Đây cũng là con đường để đẩy mạnh hợp tác phát triển các KCN thông minh và cũng là để thu hút các nhà đầu tư trong giai đoạn mới.
Trên thực tế, cuộc CMCN lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa tiến tới sản xuất thông minh làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa. Nếu không đi tới, ắt hẳn sẽ lùi lại và đây là con đường buộc DN phải tiến hành.
Trao đổi với chúng tôi, T.S Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng TPTM Becamex IDC cho biết trên thế giới, sản xuất thông minh đã trở thành xu thế. Nhiều DN của các nước có nền sản xuất tiên tiến như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã áp dụng. Qua đó có thể nhận thấy tầm quan trọng của sản xuất thông minh, các DN đã tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng sản xuất thông minh, trở thành động lực cho nền sản xuất của các nước này. Đồng thời nhiều quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất thông minh nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh, sâu rộng, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế.
“Becamex IDC đã nghiên cứu mô hình tại Hàn Quốc, học hỏi kinh nghiệm phù hợp với chiến lược thúc đẩy sản xuất thông minh của tỉnh. Trong đó xác định tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ DN tăng cường sản xuất thông minh, tạo ra ngành công nghiệp mới hướng đến nền kinh tế sáng tạo”, T.S Phạm Tuấn Anh cho biết. Điều mà T.S Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh là việc ứng dụng công nghệ giúp DN sản xuất khai phá sức mạnh dữ liệu, từ đó cải thiện năng suất, nâng cao lợi thế cạnh tranh… Việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang hiện đại đặt ra thách thức cho nhiều nhà máy để quản lý, vận hành hiệu quả.
Doanh nghiệp tự chủ
Để không bị bỏ lại trong cuộc đua hội nhập và trở thành mảnh ghép của chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Bình Dương đã và đang nỗ lực xem xét việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, tạo sức cạnh tranh. Trao đổi với chung tôi, ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I) khẳng định sản xuất và tăng trưởng bền vững dựa vào chuyển đổi số đang là xu hướng của nhiều DN trên toàn thế giới. Để đáp ứng nhu cầu này, Công ty Takako đang hướng đến việc áp dụng sản xuất thông minh thông qua dự án cải tiến nhà máy. Kết quả đã đem lại giải pháp tiến bộ, bền vững trong việc quản lý và sản xuất tại nhà máy hiện nay.
Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng sản xuất thông minh để nâng sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I)
“Bằng việc kết nối các máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhận tạo và internet kết nối vạn vật (IoT) làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, chúng tôi đã cải tiến 2,5 lần năng suất lao động so với trước. Song để có thể hiểu và trực tiếp áp dụng sản xuất thông minh vào quy trình sản xuất là điều không hề đơn giản. Việc tái cấu trúc một quy trình sản xuất truyền thống hay xây dựng và thiết kế một mô hình sản xuất thông minh hoàn toàn mới là một bài toán nan giải về kiến thức lẫn kinh phí”, ông Lê Duy Nhất Luận nói.
Ông Lương Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Boston Pharma (KCN VSIP I), cho biết công ty xem chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý là kim chỉ nam để phát triển bền vững. Mọi ứng dụng cải tiến sản phẩm chất lượng hơn đều phải có nền tảng từ nghiên cứu khoa học công nghệ minh bạch. Thứ đến phải đầu tư cho con người và sau cùng là phải đầu tư cho trang thiết bị. Tất cả các yếu tố đó sẽ đưa sản phẩm chất lượng nhất đến với thị trường. Nếu được đầu tư bài bản, đồng bộ, việc quản lý, điều hành sẽ rất khoa học, nâng tầm chất lượng.
(còn tiếp)
TIỂU MY