Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu được các doanh nghiệp, địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng đã quyết tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, dịch vụ theo hướng hài hòa với môi trường nhằm mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững.
Sản xuất ba lô, túi xách từ nguyên liệu tái chế tại Nhà máy Pungkook Sai Gon II
Lợi ích nhiều mặt
Với phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, tỉnh tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng theo hướng sản xuất xanh. Sản xuất xanh đã và đang lan tỏa trên các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... mang lại lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn môi trường.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh chú trọng hạn chế đầu tư ngoài khu cụm công nghiệp, các dự án đầu tư có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, gia công sử dụng nhiều lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm 100% dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch và có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn.
Điển hình, nhà máy Lego (Đan Mạch) đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III với mục tiêu không phát thải carbon góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo. Nhà máy bia AB InBev tại VSIP II-A vận hành hệ thống năng lượng mặt trời giúp sản xuất được 840.600 kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện mà công ty đang sử dụng mỗi năm...
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, tỉnh khuyến khích xây dựng, phát triển các dự án thân thiện với môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 khu dân cư, 1 khu đô thị đáp ứng được tiêu chí này. Trong đó, dự án căn hộ chung cư cao cấp The Habitat tại TP.Thuận An đã được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trao chứng nhận công trình xanh (EDGE), đạt mức giảm 20% năng lượng tiêu thụ, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với công trình thông thường.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển theo hướng xanh. Điển hình là các khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên), An Thái (huyện Phú Giáo) đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng bản đồ vùng trồng gắn với các tiêu chí VietGAP, GlobalGAP... Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, tỉnh đã đưa vào hoạt động hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Về thương mại - dịch vụ, tỉnh chú trọng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại một số địa phương như Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã đề ra.
Khuyến khích đầu tư
Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc một số nhà máy sản xuất hàng hóa từ những nguyên liệu tái chế đã đẩy mạnh mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng định hướng phát triển bền vững của Bình Dương.
Đơn cử, Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương (TX.Bến Cát) chuyên sản xuất bao bì giấy, Nhà máy Pungkook Sai Gon II (TP.Dĩ An) chuyên sản xuất ba lô, vali, túi xách từ nguyên liệu tái chế. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huệ, cán bộ phụ trách môi trường Nhà máy Pung kook Sai Gòn II, sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu tái chế sẽ giảm ô nhiễm môi trường và giảm gánh nặng chi phí cho xã hội. Hiện nay, nhà máy áp dụng quy trình sản xuất xanh toàn bộ quá trình vận hành, từ các khâu nhận nguyên liệu, lưu trữ, xử lý đều được kiểm soát và dán nhãn.
Không riêng hai công ty vừa nêu, tại Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam (KCN VSIP II, TP.Thủ Dầu Một) chuyên sản xuất kính mắt đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải, bụi, khí thải đạt quy chuẩn cho phép. Đại diện công ty cho biết kể từ khi hoạt động, công ty đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả giúp giảm phát thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Theo số liệu cập nhật từ đầu năm 2022 đến tháng 5-2023, công ty đã tiết kiệm năng lượng được là 642.338KW so với năm 2021, giảm phát thải 463.831 Tom CO2/năm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn bảo đảm môi trường; công tác phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường được chú trọng thực hiện; ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp được nâng cao; nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh từng bước được nâng lên, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường.
TIẾN HẠNH