Sang Đức “sưu tầm” cổ vật

Cập nhật: 24-02-2011 | 00:00:00

Hiệp hội châu Âu của các nhà khảo cổ học Đông Nam Á (EurAASIA) vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 13 với chủ đề Vượt qua những biên giới trong khảo cổ học Đông Nam Á, diễn ra tại Đại học Tự do Berlin (Đức). T.S Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật (CV) Cung đình Huế, được mời tham dự hội thảo với tham luận về đề tài Pháp lam Huế. Theo sự giới thiệu của T.S Trần Đức Anh Sơn, Ban tổ chức hội thảo đã gửi giấy mời tôi, đại diện cho Chi hội Di sản văn hóa Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh, tham dự hội thảo với tư cách quan sát viên. Thế là chúng tôi cùng nhau thực hiện một hành trình rất thú vị trên đất Đức trong suốt 2 tuần.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là ở Đức người ta ít quan tâm đến CV Việt Nam. Các cửa hàng mua bán CV, các sưu tập tư nhân và các trung tâm đấu giá hình như dành sự quan tâm nhiều hơn cho CV Trung Hoa, CV Nhật Bản và CV của các nước châu Âu. Theo lời Thomas Ulbrich thì người Đức chưa biết nhiều về lịch sử và văn hóa Việt Nam nên họ cũng không biết nhiều về CV Việt Nam. Những người Đức “chơi” đồ Việt Nam thường sưu tập đồ đồng Đông Sơn, đồ Champa, đồ bleus de Hué. Sau này thì có bổ sung thêm dòng đồ Chu Đậu. Tuy nhiên, nếu chịu khó “ngó nghiêng”, thì cũng có thể “tầm” được một đôi món đồ Việt ưng ý.

  Tác giả bài vết đang xem xét một chếc đĩa trà bleus de Húe ở cửa hàng đồ cổ

Ngày đầu tiên, Thomas Ulbrich chở chúng tôi đi thăm 3 cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cổ châu Á nằm ở trung tâm Berlin. Chủ nhân những cửa hàng này là những người bạn vong niên của Thomas Ulbrich. Tuy nhiên, phần lớn CV trong các cửa hàng này là đồ Trung Hoa, đồ Nhật Bản, đồ Thái Lan và một ít đồ Khmer. Điều đáng chú ý là người Đức rất chuộng đồ sứ Trung Quốc, nhất là dòng đồ màu có niên đại khoảng từ đời Càn Long đến đầu thời Trung Hoa Dân Quốc. Sau đồ sứ là đồ pháp lang và đồ đồng thời Hán. Với dòng đồ Nhật Bản, đồ sứ Arita và đồ Satsuma gồm những lọ, bình, chum... kích thước lớn là những mặt hàng “chủ lực”, luôn hiện diện trong tủ kính của các cửa hàng đồ cổ này. Đặc biệt, trong cửa hàng của ông Rüth Schmidt trên phố Keithstrasse “chuyên trị” đồ Nhật, ngoài những dòng đồ Arita, Imari, Kakiemon... truyền thống, còn có cả những đồ sứ mỹ nghệ của các tác giả nổi tiếng ở Nhật Bản hiện nay.

Chúng tôi ghé thăm cửa hàng Fritsche, kinh doanh đồ cổ Nhật Bản và đồ cổ Trung Hoa đã hơn 80 năm nay. Chủ nhân hiện tại là bà Anita Fritsche, đã ngoài 60 tuổi, thuộc thế hệ thứ 4 của nhà Fritsche theo đuổi nghề này. Cửa hàng của bà là nơi có nhiều món đồ Nhật Bản đáng giá nhất mà tôi từng thấy ở Berlin trong chuyến đi này. So với giá đồ Nhật ở trong nước thì giá cả ở đây cũng không phải cao lắm. Nếu tìm được “đầu ra” ở Việt Nam thì cũng có thể mua vài món ở đây, đưa về nước để “tái đầu tư”. Bà Anita Fritsche là một người vui tính, dễ gần. Bà hướng dẫn chúng tôi đi thăm cửa hàng một cách nhiệt tình, cho phép chụp ảnh và tiếp xúc hiện vật thoải mái, nhưng lại rất kiên định trong việc ra giá. Những món đồ bà bán ra không bao giờ có giá dưới mức 90% so với giá ghi trên món đồ.

Ghé thăm một nhà sưu tập người Việt ở đường Marzahner. Anh tên là Tạ Huy Hoàng, một người gốc Bắc, định cư ở Đức hơn chục năm nay. Hoàng vừa là sưu tập gia, vừa là người kinh doanh đồ cổ. Anh thường xuyên đi lại giữa Berlin - Hà Nội - Sài Gòn - Hồng Kông, vừa để sưu tầm CV, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Theo lời Hoàng, “hàng họ” mỗi ngày một hiếm và đắt trong khi khách hàng thì ngày càng kén chọn. Vì thế, anh chỉ “cất hàng” mỗi khi tìm được đầu ra chắc chắn. Anh cho hay, dân trong nghề bên này ít ai “găm hàng” chờ được giá và chờ người mua. Đây cũng là điều khác biệt so với thị trường đồ cổ trong nước.

Ngày cuối cùng lưu lại Berlin, chúng tôi được Thomas Ulbrich đưa đi thăm một trung tâm đấu giá CV ở Tây Berlin. Khi chúng tôi đến đây, toàn thể nhân viên của trung tâm đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đấu giá sẽ diễn ra 3 ngày sau đó. Những hiện vật đưa ra đấu giá lần này rất đa dạng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất, bình chóe Nhật Bản, đồ trang sức và đồ tế tự bằng vàng và bạc của nước Nga thời Sa Hoàng và một số đồ sứ của các lò Limoges (Pháp), Meissen (Đức). Khi tôi ngỏ ý hỏi mua một chiếc độc bình Satsuma đề giá 500 euro, thì nhân viên của trung tâm cho biết: tất cả những món đồ dự kiến đưa ra đấu giá đã được in trên catalogue phát cho người mua nên không thể mua bán vào lúc này, nếu có nhu cầu, 3 ngày sau xin mời quay trở lại đây để tham dự phiên đấu giá. Tuy nhiên, nếu muốn mua những món đồ không nằm trong danh mục đấu giá thì có thể mua. Ngay sau đó, một nhân viên phụ trách phòng kho của trung tâm đã mời chúng tôi vào thăm kho “hàng” chờ đấu giá. Tất cả hiện vật trong kho “chờ” này đều đã được thẩm định phong cách, niên đại và có ghi giá cụ thể. Tại đây, tôi đã mua được một pho tượng bằng ngà voi rất ưng ý.

Rời Berlin, chúng tôi lên đường đi Munich dự lễ hội bia Oktoberfest. Thomas Ulbrich lại là người đồng hành nhiệt thành của chúng tôi. Chúng tôi lưu lại Munich 3 ngày và lại tranh thủ viếng thăm các cửa hàng đồ cổ. Trần Đức Anh Sơn giới thiệu tôi đến thăm cửa hàng Georg Luitpold Hartl nằm trên phố Ludwigstrass. Anh đã từng đến đây vào năm 2004 và có mối quan hệ thân thiết với ông Matthias Spanaus, quản lý cửa hàng. Cửa hàng này là nơi bán tất cả những gì có liên quan đến nghệ thuật cổ châu Á, nhưng nhiều nhất vẫn là đồ Trung Hoa và đồ Nhật Bản. Riêng đồ cổ Việt Nam, cửa hàng này bày bán nhiều đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm hoa nâu và đồ celadon thời Lý - Trần, đồ gốm Chu Đậu, đồ bleus de Hué và đồ Pháp lam Huế. Trong số những món đồ bleus de Hué, đáng chú ý là những món đồ trà gồm mấy chiếc đĩa bàn vẽ mai hạc đề thơ Nôm và đĩa trà vẽ sơn thủy - nhân vật, hiệu đề chữ Nhật. So với trong nước, giá của những chiếc đĩa trà này có thể chấp nhận được, nên tôi cũng tranh thủ mua một, hai món để làm kỷ niệm về chuyến đi.

Tuy nhiên, nơi gây cho tôi ấn tượng nhất chính là một trung tâm đấu giá nằm ở gần sân vận động Munich. Khi chúng tôi đến, mọi việc chuẩn bị cho phiên đấu giá đã hoàn tất. Catalogue về các CV đưa ra đấu giá đã in ấn xong và đã phát hành đến người mua để họ tham khảo trước. Một tuần trước ngày đấu giá, trung tâm mở cửa phòng trưng bày để những ai quan tâm có thể tham quan và tìm hiểu trước. Tất cả hiện vật đưa ra đấu giá đều được trưng bày trong những tủ, bục, kệ rất sang trọng và bắt mắt. Nhân viên của trung tâm tận tình hướng dẫn khách hàng tham quan phòng trưng bày và sẵn sàng giải đáp tất cả thắc mắc của họ. Tôi đặc biệt quan tâm đến một lẵng hoa hồng làm bằng ngà voi đề giá 700 euro. Cũng như ở Berlin, khi tôi có ý hỏi mua lẵng hoa này thì nhân viên của trung tâm cho biết hiện vật chỉ được bán trong phiên đấu giá. Vì vé máy bay về nước đã xác định nên tôi không thể tham dự phiên đấu giá này. Tôi ngỏ ý nhờ G.S Thomas Ulbrich quan tâm đến chiếc lẵng hoa này, phòng trường hợp đấu giá không thành thì sẽ nhờ ông liên hệ mua giúp. Tuy nhiên, sau khi phiên đấu giá kết thúc, Thomas Ulbrich gửi e-mail cho tôi báo tin chiếc lẵng hoa ấy đã được bán với giá 8.500 euro, cộng thêm 20% tiền hoa hồng phải trả cho trung tâm đấu giá, nâng tổng giá thành mà người mua phải trả để sở hữu chiếc lẵng hoa này là 10.200 euro. Sau này, Trần Đức Anh Sơn cho tôi biết thêm: khác với các cuộc đấu giá “tập sự” ở Việt Nam, nơi hiện vật được đưa ra đấu giá được định giá rất cao, sát sàn sạt với giá “gõ búa”, trong các phiên đấu giá ở châu Âu, hiện vật được định giá ban đầu rất thấp để thu hút khách hàng tham gia đấu giá. Song giá “gõ búa” cuối cùng thường rất cao và tiền hoa hồng phải trả cho nhà đấu giá cũng cao ngất trời, có khi lên đến 25 - 30%.

Rời Munich, chúng tôi trở về Berlin và bay về nước ngay trong đêm 4-10, kết thúc hành trình tham quan và “truy tầm” CV trên đất Đức. Đi một ngày đàng, thấy một sàng... chuyện hay, bèn kể ra đây để “hầu chuyện” những ai ưa thích sưu tầm cổ vật vậy.

NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=941
Quay lên trên