Xuất phát từ mong muốn thiết kế chương trình huấn luyện cho dân quân địa phương không có điều kiện ra thao trường học tập, đoàn viên Nguyễn Văn Hoàng đã thiết kế ra mô hình huấn luyện pháo binh (HLPB). Dù mô hình chỉ đưa vào sử dụng trong các tiết học của dân quân trên địa bàn huyện, nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Anh Nguyễn Văn Hoàng với sáng kiến mô hình huấn luyện pháo binh
Bản thân là sĩ quan chuyên nghiệp, trợ lý quân lực công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thuận An nhưng anh Hoàng vẫn tích cực tham gia hoạt động của chi đoàn. Ngoài chuỗi hoạt động của các ĐVTN trong đơn vị như tham gia “Ngày chủ nhật xanh”, củng cố “Vườn rau TN”, thực hiện cuộc vận động “TN với văn hóa giao thông”... anh còn đảm nhận công tác kêu gọi TN nhập ngũ, tiếp đón quân nhân xuất ngũ trở về địa phương và đưa vào đăng ký ngạch dự bị quân đội.
Do lực lượng dân quân địa phương không có điều kiện huấn luyện ở thao trường bãi tập, chỉ được học trên lý thuyết nên ít nhiều hạn chế sự tiếp thu, trí sáng tạo của người học. Đặc điểm của môn bắn súng buộc người thực hiện phải nhẩm tính khoảng cách, nhắm đúng và chinh phục mục tiêu bằng những thao tác nhanh, gọn. Sự ra đời của mô hình HLPB của đoàn viên Nguyễn Văn Hoàng đã giúp cho các học viên là dân quân dễ hiểu hơn trong cách tiếp cận và ứng dụng thực tế có hiệu quả. Với các chất liệu chính là gỗ, cỏ nhựa, những bóng đèn điện nhỏ... dễ tìm trong đời sống, anh Hoàng đã hình thành nên mô hình HLPB sinh động, phù hợp với quá trình học tập của các học viên. Sáng kiến này còn khắc phục một số hạn chế, tác động từ bên ngoài của buổi huấn luyện như mưa giông, đêm tối không thể học ngoài thao trường phải tổ chức ở hội trường thì mô hình sẽ là phương pháp thay thế hữu hiệu nhất. Với kết cấu là trục giao điểm cắt mục tiêu và trên đường đi tới mục tiêu thì có các điểm nổ. Khoảng cách mỗi điểm nổ trên mô hình tương đương với độ dài 50m so với ngoài thực địa. Khi học viên thực hiện phát bắn, người chỉ huy sẽ dựa vào độ dài xa hay gần từ địa điểm đặt khẩu pháo đến mục tiêu để sửa điểm bắn cho thật chính xác.
Trao đổi với chúng tôi về sáng kiến của mình, anh Hoàng khiêm tốn: “Mô hình còn khá sơ khai đối với yêu cầu thực tế của quá trình HLPB nên chỉ dừng lại ở việc ứng dụng tại địa phương. Để mô hình được đưa vào áp dụng rộng rãi, chúng tôi cần cố gắng tìm tòi, học hỏi để cải tiến thêm”.
K.HÀ