Yêu nước, họ rời ghế nhà trường khi tuổi đời còn rất trẻ, vượt Trường Sơn tham gia kháng chiến. Trải qua những tháng ngày dưới “mưa bom, bão đạn” tại nhiều chiến trường, khi trở về quê hương, dù mang trong mình nhiều vết thương nhưng bằng tinh thần vượt khó, những người lính kiên trung năm nào từng bước xây dựng kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội bằng những việc làm hữu ích, đậm tính nhân văn.
Ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, mọi người yêu quý ông Vũ Đăng Toàn như người thân trong gia đình. Ông không chỉ hài hước, dễ gần mà còn giàu lòng nhân hậu. Thấy ai nghèo, khó khăn, bệnh đau, ông sẵn sàng ra tay trợ giúp. Mới đây, câu chuyện ông Toàn bán thiếu cả ngàn mét vuông đất cho vợ chồng một người xa lạ, giúp họ sớm đất ổn định cuộc sống vì quá khó khăn khi đến vùng đất này lập nghiệp càng làm cho mọi người nể phục về lòng tốt của ông.
Ông Nguyễn Duy Cộng (thứ 3, bên trái) cùng các cựu chiến binh trong khu phố nói về việc xây dựng khu phố văn minh
Trong căn nhà cấp 4 bình dị trồng nhiều cây trái, ông Toàn kể, năm 1970, như bao thanh niên miền Bắc khác, ông rời ghế nhà trường ở quê hương Hải Phòng đăng ký đi Nam chiến đấu. Sau nhiều tháng vượt dãy Trường Sơn trong gian khó, ông được điều động đến Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7 làm giao liên. Từ một học sinh, trọng trách của người lính bộ độ Cụ Hồ đã dần tôi luyện ông trở nên can đảm, lạc quan. Ông Toàn cho rằng, đã không tiếc tuổi thanh xuân, vì miền Nam ruột thịt mà chiến đấu, không ngại hy sinh bản thân thì sao lại đắn đo chuyện giúp người, làm thêm việc tốt để góp công xây dựng quê hương. Ông cũng là người tiên phong cùng Ban Liên lạc Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 7 và Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh tỉnh đóng góp xây dựng thành công Khu nhà bia tưởng niệm 528 liệt sĩ Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 7 ở ấp Suối Voi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.
Ông Nguyễn Duy Cộng, ngụ khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP.Thuận An cũng là người lạc quan, hài hước, có trách nhiệm với cộng đồng. Trong thời chiến, ông được biết đến là một “chiến binh thép” trong các trận giao tranh. Năm 1971, khi mới 16 tuổi, từ Thanh Hóa ông vượt núi rừng Trường Sơn vào Quảng Trị tham gia kháng chiến. Sau đó, ông tiếp tục hành quân lên Tây nguyên đóng quân. Trong 3 năm tham chiến cùng đồng đội ở Sư đoàn 320, đơn vị của ông luôn tiên phong, làm “chim mồi”, giữ chân quân địch ở những trận đánh lớn.
Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, ông Cộng không cho phép mình nghỉ ngơi mà có nhiều việc làm thiết thực đóng góp cho cộng đồng dân cư. Đơn cử như trong những tháng ngày dịch bệnh Covid-19 năm 2021, khi mọi người “án binh bất động” trong nhà, hình ảnh người thương binh 3/4 Nguyễn Duy Cộng mỗi ngày đều đặn mua rau, gạo và hàng ngàn quả trứng đi tiếp tế từng gia đình khiến mọi người càng xúc động. Chưa hết, ông còn là thành viên tham gia trực chốt chống dịch tiêu biểu của địa phương. Dù sức khỏe yếu nhưng ông không ngại thức khuya, dậy sớm để hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch được giao.
Cả ông Toàn, ông Cộng cùng bao người yêu nước cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương sau ngày giải phóng trở về quê hương dù mang trong mình nhiều mảnh bom, đầu đạn nhưng bằng nghị lực vượt khó của người lính Cụ Hồ đã tiếp tục chịu thương, chịu khó phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Không ngại gian khổ, hy sinh bảo vệ quê hương đất nước, giờ đây lại dốc sức xây dựng phố phường, xây dựng tình yêu thương, đoàn kết cộng đồng dân cư, càng làm cho hình ảnh người lính Cụ Hồ, người thương bình thêm sáng ngời, được người dân tin yêu và quý mến.
QUẢNG ĐIỀN